19/01/2025 lúc 10:25 (GMT+7)
Breaking News

Ngân hàng chính sách xã hội Đắk Nông: "Cầu nối" cho sự phát triển trên quê hương

Với sứ mệnh truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách để cho vay các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. 18 năm qua, tập thể cán bộ nhân viên toàn chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội luôn nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, huy động lực lượng toàn xã hội vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Với sứ mệnh truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách để cho vay các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. 18 năm qua, tập thể cán bộ nhân viên toàn chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội luôn nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, huy động lực lượng toàn xã hội vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và cam kết trước cộng đồng quốc tế về xóa đói giảm nghèo.

Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Thế Hùng).

Hoạt động của NHCSXH là không vì mục đích lợi nhuận, vì vậy sự ra đời của NHCSXH có vai trò rất quan trọng là cầu nối đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện gần gũi với các cơ quan công quyền ở địa phương, giúp các cơ quan này gần dân và hiểu dân hơn.

Là đại diện của NHCSXH trên địa bàn Đắk Nông, ngay sau khi được thành lập theo Quyết định số 92/QĐ-HĐQT ngày 17/3/2004  của Hội đồng quản trị NHCSXH, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã tập trung củng cố bộ máy tổ chức từ tỉnh đến huyện, chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) thực hiện chức năng quản trị, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại địa phương của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông. Mô hình quản lý và hoạt động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông bao gồm: Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đắk Nông và huyện, thành phố, bộ phận cán bộ NHCSXH chuyên trách làm nhiệm vụ tác nghiệp; các Tổ chức chính trị - xã hội làm dịch vụ uỷ thác cho vay; các Ban quản lý Tổ TK&VV. Đây là mô hình hoàn toàn mới đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động giao dịch tại phường Quảng Thành, TP Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông.

Trong suốt 2 năm 2020 -2021, thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19. Đại dịch đã đẩy toàn bộ nền kinh tế thế giới đối mặt với khó khăn, thách thức, Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội đất nước, hàng loạt ngành nghề bị ảnh hưởng, doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc…ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, đồng thời giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu tiếp tục giảm gây bất lợi cho người dân trên địa bàn, nhất là đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trước tình hình đó Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động và tham mưu cho UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, NHCSXH Trung ương về các mặt hoạt động từ công tác bổ sung nguồn vốn, triển khai giải ngân vốn vay đến công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động Tổ TK&VV, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm bớt khó khăn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế theo hướng bền vững của tỉnh.

Theo báo cáo Quý I/2021, thực hiện tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tích cực tham mưu NHCSXH Trung ương, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt kết quả tăng trưởng nguồn vốn là 7,5%. Với nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục gắn với phong trào thi đua "Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới" thể hiện ở việc NHCSXH đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng chính sách cho địa phương nằm trong kế hoạch, chỉ tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Tập thể cán bộ nhân viên toàn chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ (Ảnh: Thế Hùng)..

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách trong quý I/2021 đã giúp 8.864 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách với doanh số cho vay là 309 tỷ đồng (trong đó 1.225 lượt hộ nghèo, 925 lượt hộ cận nghèo, giúp 2.500 lượt hộ sống ở vùng nông thôn cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới 5.000 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 3.095 hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh là 2.964 tỷ đồng với 68.139 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đối với hộ đồng bào DTTS được tiếp cận với vốn tín dụng đã tăng rõ rệt, được vay vốn ngày càng nhiều, việc quản lý, sử dụng tiền vay có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn đã có tác động kép. Đến nay có 31.882 hộ vay vốn thuộc DTTS còn dư nợ, chiếm 46,6% số hộ còn dư nợ. Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã xây dựng được mạng lưới Tổ TK&VV trên khắp các thôn, bon, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; tổng số Tổ TK&VV của Chi nhánh là 1.563 Tổ; tăng 04 tổ so với đầu năm.

Trong thời gian tới, với nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tín dụng chính sách góp phần thành công kế hoạch giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương. NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây ra để triển khai các giải pháp khắc phục, kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh…

Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Thế Hùng).

Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó giám đốc chi nhánh NHCSXH cho biết, Đắk Nông là tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 6,98% và cận nghèo 5,56% còn cao hơn mức bình quân chung toàn quốc, nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội rất lớn; Do đó cần tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn cho tỉnh Đắk Nông. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp của tỉnh cần tiếp tục tăng cường nguồn ủy thác để tăng nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách, mở rộng cơ hội việc làm cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh COVID-19, giảm thiểu nguy cơ tái nghèo…Trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì nguồn vốn chính sách vẫn được giải ngân kịp thời, là “điểm tựa” vững chắc cho đồng bào dân tộc vượt qua khó khăn, giảm nghèo bền vững.

Trong suốt 18 năm qua, tập thể cán bộ nhân viên toàn chi nhánh NHCSXH đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, huy động lực lượng toàn xã hội vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH tỉnh Đắk Nông tiếp tục vừa tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách, vừa tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch COVID, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, nhất là đồng bào DTTS sản xuất, kinh doanh giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển và ngày càng giàu mạnh bền vững.