Tại hội nghị, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là hoạt động được tổ chức thường niên từ năm 2014 đến nay là sự kiện hết sức quan trọng, với mục tiêu chính là thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh; hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh, quảng bá, giới thiệu hình ảnh tỉnh Thanh Hóa, những thành tựu về phát triển nông nghiệp của tỉnh đã đạt được trong những năm qua “Công tác kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm tiếp tục đóng góp quan trọng vào tiêu thụ sản phẩm ngành nông nghiệp, là cầu nối đặc biệt để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hiệu quả hoạt động của ngành và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Năm 2023, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Ngành nông nghiệp tiếp tục góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế chung của cả tỉnh. Đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 414 sản phẩm OCOP, duy trì trong tốp 3 của cả nước, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 357 sản phẩm 3 sao.
Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã phát huy tốt vai trò tham mưu và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi cung - cầu nông sản thực phẩm, phát triển thị trường và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP Thanh Hóa đã kết nối tiêu thụ ở trên 30 tỉnh, thành phố.
Trong thời gian diễn ra các sự kiện, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các nội dung theo kế hoạch, đảm bảo việc tổ chức các chuỗi sự kiện của hội nghị phải tuyệt đối an toàn, tiết kiệm, và đật hiệu quả cao.
Sau khi tham quan các gian hàng tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao đóng góp của các sản phẩm nông sản của tỉnh Thanh Hóa đối với sự phát triển các ngành hàng trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Thứ trưởng cũng bày tỏ ấn tượng về chất lượng, mẫu mã các mặt hàng nông sản của Thanh Hóa và các địa phương khác tham gia triển lãm. Thứ trưởng mong muốn các mô hình sản xuất nông nghiệp nói chung, sản phẩm nông sản tại Thanh Hóa nói riêng trở thành hình mẫu để các tỉnh trong vùng và cả nước học tập.
Đánh giá về sự chuyển biến của ngành nông nghiệp Thanh Hóa thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: “Thành tựu của ngành nông nghiệp thời gian qua có đóng góp rất quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản của Thanh Hóa. Nền nông nghiệp Thanh Hóa đang có sự chuyển mình từ nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, sang nền nông nghiệp hàng hóa, đa giá trị. Thanh Hóa đã xây dựng được hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng về cây trồng vật nuôi, phong phú về sản phẩm. Thanh Hóa cũng là một trong số ít các địa phương tiên phong và đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh trên cả nước".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần dành nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến sâu và thị trường tiêu thụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Phổ biến các quy định pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản; rà soát toàn diện các cơ sản xuất thực phẩm; tổ chức sản xuất tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương; Phát triển thị trường nông sản trong tình hình mới theo hướng sản xuất nông sản an toàn, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của thị trường. Thực hiện tốt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.