22/01/2025 lúc 22:01 (GMT+7)
Breaking News

Mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa là yêu cầu vừa là cơ hội để xây dựng Thành phố thực sự là trung tâm phát triển của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện xây dựng chính quyền đô thị, bước đầu đạt được một số kết quả.

Bài viết làm rõ kết quả, hạn chế và những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, là đầu tàu kinh tế của cả nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: Internet

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước trong việc xóa bỏ dần cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, từng bước xác lập nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thành phố đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn, giữ vai trò hậu thuẫn và thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, ngân hàng, tài chính, tiền tệ, bưu chính viễn thông… lớn nhất nước; là đầu mối giao thông vận tải, cửa ngõ giao thương và giao lưu quốc tế của cả nước. Đặc biệt, trong suốt 45 năm qua, Thành phố luôn đi trước, dẫn đầu trong việc bảo đảm quyền được hưởng thụ các thành quả phát triển kinh tế của người dân.

1. Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh 

Chính quyền đô thị là một dạng cụ thể của chính quyền địa phương, được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các điều kiện tự nhiên của đô thị, nhằm quản lý đô thị hiệu lực, hiệu quả. Chính quyền đô thị vừa thể hiện các vấn đề chung của chính quyền địa phương về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng đại diện của nhân dân và các mối quan hệ giữa chính quyền các cấp theo quy định của pháp luật, vừa thể hiện các yêu cầu đặc thù riêng của phương thức tổ chức, quản lý và phát triển đô thị. Xây dựng chính quyền đô thị phải bảo đảm tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, vì vậy, việc nghiên cứu để xây dựng mô hình chính quyền đô thị là thực sự cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Thành phố. 

Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 được sửa đổi theo Luật số 47/2019/QH14 đã quy định mở theo hướng chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương (Điều 44, Điều 58). Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (điểm e khoản 2 Điều 15). 

Về cơ sở thực tiễn, giai đoạn 2009 - 2016, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, qua thí điểm đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, làm cơ sở thực tiễn quan trọng. 

Từ thực tiễn thí điểm và trên cơ sở quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức chính quyền địa phương, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 131/2020/NQ 14 ngày 16-11-2020 cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được chính thức thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để bảo đảm tính ổn định, lâu dài. 

Từ ngày 1-7-2021, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức hoạt động theo hình thức chính quyền đô thị(1). Theo đó, mô hình chính quyền Thành phố được tổ chức như sau: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND); ở đơn vị quận và phường là UBND quận, UBND phường. UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng. Ở quận và phường không tổ chức HĐND, quyền đại diện của người dân tại đây tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua các kênh như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND Thành phố, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND Thành phố, cấp ủy, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. 

Sự phản ánh của khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân phường và ban công tác mặt trận ở khu dân cư. UBND các phường tăng cường công tác giao ban với trưởng khu phố; UBND quận giao ban với UBND phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân.

Với mô hình tổ chức chính quyền đô thị và thông qua các kênh nêu trên và nhất là việc tổ chức chính quyền đô thị điện tử, các thông tin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân được công khai, minh bạch giúp cho quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Đồng thời, duy trì và tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền. Về thực hiện dân chủ trực tiếp, người dân tham gia đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND qua định kỳ tổ chức các Hội nghị nhân dân hoặc tiếp xúc cử tri. Qua công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND các cấp trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền; tiếp nhận thông tin và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của cử tri. Đồng thời, để người dân tham gia xây dựng chính quyền, chính quyền các cấp của Thành phố đã phân công thành viên UBND tham gia các cuộc họp của khu phố, tổ chức hộp thư góp ý hoặc sổ góp ý. Qua đó, nghe nhân dân trao đổi, phản ánh ý kiến trực tiếp trong các cuộc họp hoặc gửi phiếu xin ý kiến về các công trình thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; góp ý các quy ước, công việc nội bộ khu dân cư. Khi không tổ chức HĐND, một số việc quan trọng, UBND phường thông qua khu phố và Mặt trận Tổ quốc để nhân dân tham gia ý kiến trước khi quyết định; lập sổ theo dõi phản ánh, kiến nghị của các trưởng khu phố để kịp thời giải quyết.

Các ban thuộc HĐND Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Ban Pháp chế; Ban Kinh tế - Ngân sách; Ban Văn hóa - Xã hội; Ban Đô thị. Mỗi Ban có 1 ủy viên hoạt động chuyên trách. Ủy viên hoạt động chuyên trách do Thường trực HĐND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, phê chuẩn theo đề nghị của trưởng ban HĐND. 

Cơ cấu tổ chức của UBND quận gồm: chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng công an, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; các cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận. UBND Thành phố Hồ Chí Minh quy định cụ thể tên gọi và số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận. Riêng văn phòng HĐND, UBND quận gọi là văn phòng UBND quận.

Việc thành lập các cơ quan hành chính khác thuộc UBND quận được thực hiện theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính và theo quy định pháp luật chuyên ngành. Việc thành lập các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND quận thực hiện theo quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và theo quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành. UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại quận, bảo đảm các hoạt động của UBND quận theo quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt.  

Cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức theo cơ cấu: văn phòng HĐND và UBND; phòng nội vụ; phòng tư pháp; phòng tài chính - kế hoạch; phòng lao động - thương binh và xã hội; phòng văn hóa và thông tin; phòng quản lý đô thị; phòng tài nguyên và môi trường; phòng giáo dục và đào tạo; thanh tra thành phố; phòng kinh tế; phòng y tế; phòng khoa học và công nghệ.

Căn cứ quy định, HĐND cùng cấp xem xét, quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng của UBND cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng thuộc UBND. UBND thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định  số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của mình nhưng số lượng mỗi cơ quan không quá 3 người. 

Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: chủ tịch; phó chủ tịch; trưởng công an; chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự; các công chức: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội. Công chức làm việc tại UBND phường là người được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức danh thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường (trừ trưởng công an phường). UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường bình quân là 15 người/ phường.

2. Kết quả bước đầu về hoạt động của chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh 

Để tạo động lực và cơ hội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị; tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16-11-2020 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 30-6-2021, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ký 61 quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Ủy ban nhân dân 16 quận trên địa bàn Thành phố, gồm 14 chủ tịch và 47 phó chủ tịch. Các quyết định có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Từ ngày 1-7-2021, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, công chức phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1-7-2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác. Để giảm tải và giải quyết nhanh công việc của người dân, chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực văn bản (trước đây chỉ có chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường ký chứng thực).

Hằng năm, trước kỳ họp của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố Hồ Chí Minh, chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND phường tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân ở quận, phường về tình hình hoạt động của quận, phường và những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng của công dân. Kết quả, hội nghị đối thoại được gửi đến HĐND, UBND cấp trên. Quyền đại diện, quyền dân chủ và quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được bảo đảm và duy trì ở mức độ cao như trước đây.

Thành phố đã tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, với 30 đại biểu Quốc hội khóa XV, 94 đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, 209 đại biểu HĐND thành phố Thủ Đức và 5 huyện, 1.822 đại biểu HĐND xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021-2026. 

Bộ máy, cơ cấu tổ chức của quận, phường được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương. Chính quyền đô thị thành phố thường xuyên lắng nghe, nắm bắt giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thể hiện sự linh hoạt, chủ động trong xử lý tình huống. 

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát với hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản về phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ(2). Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo và đề nghị các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị nhà nước của Trung ương đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị nhà nước), căn cứ vào cấp độ dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh được công bố để bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc và tổ chức hoạt động tại cơ quan, đơn vị phù hợp. Đồng thời, tăng cường giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính kịp thời, đúng hạn, không để đình trệ công việc; tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để hoàn thành tốt kế hoạch công tác năm đã đề ra.

Chính quyền Thành phố đẩy mạnh chỉ đạo khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh bảo đảm tốc độ tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh; định hướng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững; hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao; tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; mở rộng thị trường ngoài nước, kết hợp xây dựng và phát triển hệ thống phân phối trên thị trường nội địa, chú ý xây dựng thương hiệu hàng hóa, dịch vụ chủ lực và thương hiệu doanh nghiệp. 

Trong điều kiện dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố đã khẩn trương, dồn mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép.” Trong bối cảnh như vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Thành phố vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định 33 của Chính phủ. Đây là nhiệm vụ chính trị, vừa để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền, tạo thế và lực phát triển mới, vừa cụ thể hóa các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021 là năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, chính quyền đô thị còn một số bất cập, hạn chế:

Một là, về năng lực quản trị của chính quyền các cấp. Việc nâng cao năng lực của chính quyền các cấp nói chung và năng lực của từng cán bộ, công chức, viên chức nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị tiến trình xây dựng và quản lý đô thị là một nhiệm vụ khó khăn. Trong đó, năng lực dự báo chiến lược và năng lực nhận diện các vấn đề kinh tế - xã hội là quan trọng nhất và cũng là khó nhất. Ngoài ra, việc nghiên cứu, dự báo để xác lập cơ chế quản trị hiệu lực, hiệu quả trong môi trường số cũng là những thách thức lớn.

Hai là, về việc triển khai thực hiện giải pháp công nghệ. Xây dựng chính quyền đô thị đòi hỏi phải bám sát công nghệ hiện đại. Đồng thời, trong quá trình triển khai cần phải dự đoán, dự báo sự phát triển công nghệ trong tương lai để có thể lựa chọn công nghệ mang tính mở, có khả năng chuyển đổi, tích hợp giữa công nghệ hiện tại và tương lai. Ngoài ra, các giải pháp khoa học - công nghệ và công nghệ thông tin có sự phát triển, thay đổi liên tục. Trong khi đó, quy trình thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 thì thời gian kéo dài, dẫn đến việc khi dự án được thông qua thì giải pháp công nghệ không còn phù hợp.

Ba là, tiến trình xây dựng chính quyền đô thị Thành phố bị chi phối trước một loạt các vấn đề cần giải quyết, như: đại dịch Covid-19, chống ngập lụt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông… Những vấn đề này ngày càng trở nên cấp bách, đòi hỏi chính quyền thành phố cần quan tâm, xử lý triệt để.

3. Một số đề xuất

Đô thị càng lớn, phạm vi khối lượng công việc giải quyết càng nhiều, mức độ phức tạp của công việc càng cao, việc tuân thủ pháp luật, quy trình, quy chuẩn, quy hoạch  càng phải triệt để, chính xác, kịp thời. Vì vậy, việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phải có tính chất đặc thù, bảo đảm việc quản lý nhà nước tập trung, thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy, có hiệu lực, hiệu quả cao

Để phát huy những kết quả, khắc phục những hạn chế nhằm xây dựng chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả khơi dậy khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, trong thời gian tới cần tập trung: 

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện thể chế

Việc thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị phải quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn về tổ chức chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành phải có sự phối hợp triển khai đồng bộ việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương và chính quyền đô thị một cách cơ bản, toàn diện, mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý chắc chắn cho chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả. Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các vấn đề về: đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, tài chính… cũng như các nghị định, thông tư của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, thống nhất, liên thông, minh bạch. Rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật hiện nay có quy định về chính quyền đô thị, để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản, bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển đô thị hiện nay. Thành phố chủ động ban hành các quy định, cơ chế theo thẩm quyền nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện cải cách tổ chức bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, triển khai quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND ở các đô thị

Đổi mới hoạt động của chính quyền địa phương các cấp gắn với tinh gọn, cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính địa phương. Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, cần thực hiện theo hướng tinh gọn đầu mối các cơ quan trực thuộc của UBND đã được quy định trong Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04-4-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP) và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 108/2020/NĐ-CP). Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn đối với các ngành, lĩnh vực quản lý. 

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND, UBND các cấp

Tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, bộ, ngành với chính quyền thành phố; giữa chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, huyện, thị xã. 

Đồng thời, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định các nguyên tắc phân định thẩm quyền, việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương, tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa các cấp chính quyền Thành phố gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cấp chính quyền Thành phố; quy định rõ cơ chế, chế độ, trách nhiệm về phân cấp, ủy quyền và thực hiện nhiệm vụ khi được phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương. 

Khát vọng thịnh vượng đã được khơi dậy, truyền cảm hứng và như một lời hiệu triệu với non sông, với đất nước, với một trăm triệu người dân Việt Nam mà ở đó mục tiêu rõ nhất là làm cho người dân được hạnh phúc. Để từng bước cụ thể hóa, biến khát vọng trở thành hiện thực trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội… Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”(3). Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước không ngừng hoàn thiện để phục vụ lợi ích của nhân dân, đảm bảo quyền lợi thực sự thuộc về nhân dân, đó cũng chính là sự khẳng định khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc hướng tới tương lai của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

__________________

(1) Chí Kiên (2021): Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Chính phủ https://baochinhphu.vn/prin/to-chuc-chinh-quyen-do-thi-tai-tp-ho-chi-minh

(2) Minh Hiệp: Cơ quan, đơn vị nhà nước TPHCM thay đổi phương thức làm việc phù hợp với từng cấp độ dịchhttps://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/co-quan-don-vi-nha-nuoc-tphcm-thay-doi-phuong-thuc-lam-viec-phu-hop-voi-tung-cap-do-dich-1491886904

(3) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Báo Nhân Dân điện tử, chủ nhật, 01-8-2021,https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-646305/, truy cập ngày 11-6-2021.

TS ĐỖ THỊ HIỆN

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh