23/12/2024 lúc 11:03 (GMT+7)
Breaking News

'Mở cửa' bầu trời, kết nối các tuyến giao thông huyết mạch ASEAN

VNHN - Với việc tham gia “Bầu trời mở ASEAN”, các hãng hàng không của ta được lựa chọn nhiều hơn về thị trường, nguồn khách và có thể hợp tác với các hãng hàng không trong khu vực như: Liên danh, chung số hiệu, thuê chuyến, vận tải đa phương thức... để tăng năng lực phục vụ, mở rộng mạng đường bay.

VNHN - Với việc tham gia “Bầu trời mở ASEAN”, các hãng hàng không của ta được lựa chọn nhiều hơn về thị trường, nguồn khách và có thể hợp tác với các hãng hàng không trong khu vực như: Liên danh, chung số hiệu, thuê chuyến, vận tải đa phương thức... để tăng năng lực phục vụ, mở rộng mạng đường bay.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 25, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã dành thời gian trao đổi về những điểm sáng trong hợp tác giao thông vận tải của 10 nước ASEAN và ASEAN với 3 nước đối tác.

Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thể chủ trì phiên họp toàn thể Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 25 tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Phan Trang

“Bầu trời mở ASEAN”

Những nội dung quan trọng nào được đặt ra trên bàn nghị sự ATM 25 lần này, thưa Bộ trưởng? Các thỏa thuận nếu được ký kết sẽ tạo thuận lợi như thế nào cho các nước thành viên?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tại Hội nghị ATM 25, các Bộ trưởng đã thảo luận để đi đến thống nhất hai nghị định thư về hàng không; bên cạnh đó thông qua các chiến lược/ kế hoạch và hàng loạt các chương trình, dự án hợp tác trong năm 2020.

Dự kiến, các Bộ trưởng sẽ ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không theo Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ để tạo thuận lợi cho việc triển khai Hiệp định nhằm tự do hóa hơn nữa các dịch vụ phụ trợ hàng không trong khu vực; và Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 giữa các bên ký kết thuộc Hiệp định Vận tải hàng không ASEAN - Trung Quốc nhằm tăng cường hơn nữa kết nối hàng không giữa ASEAN và Trung Quốc.

Việc triển khai các thỏa thuận này sẽ nâng cao chất lượng và giảm giá thành dịch vụ hàng không, giúp cho người dân và doanh nghiệp có thêm các cơ hội sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không trong khu vực ASEAN. Mặt khác sẽ giúp các doanh nghiệp hàng không của Việt Nam mở rộng thị trường đầu tư tại các nước ASEAN trong nhiều lĩnh vực.

Hội nghị cũng nghe báo cáo về tình hình triển khai tổng thể các chương trình, dự án thuộc khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược GTVT Kuala Lumpur 2016 - 2025 (Kế hoạch Chiến lược phát triển GTVT ASEAN) trong các lĩnh vực vận tải hàng không, hàng hải, đường bộ và đặc biệt là vận tải đa phương thức, tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh, liên quốc gia…

Việt Nam mở nhiều đường bay mới trong ASEAN

Việc Việt Nam tham gia “Bầu trời mở ASEAN” đến nay đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Cho đến nay, các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết các Hiệp định đa biên về tự do hóa vận tải hành khách, hàng hóa để thực hiện Thị trường hàng không thống nhất ASEAN.

Các hãng hàng không ASEAN được khai thác các đường bay quốc tế không hạn chế tải cung ứng, tần suất, loại tàu bay giữa các quốc gia thành viên, bao gồm cả việc hãng hàng không quốc gia thứ nhất được phép vận chuyển hành khách, hàng hóa,... giữa quốc gia thứ 2 và quốc gia thứ 3 mà chúng ta hay gọi là quyền vận chuyển thứ 5, quyền này đã được tự do hóa trong nội khối ASEAN từ ngày 30/6/2013.

Các hiệp định này là cơ sở pháp lý để các hãng hàng không ASEAN được phép khai thác các đường bay quốc tế tới các điểm đến trong ASEAN như nhau và không tồn tại bất kỳ sự ràng buộc hoặc bảo hộ đối với hãng hàng không trong nước.

Với việc tham gia “Bầu trời mở ASEAN”, các hãng hàng không của ta được lựa chọn nhiều hơn về thị trường, nguồn khách và có thể hợp tác với các hãng hàng không trong khu vực như: Liên danh, chung số hiệu, thuê chuyến, vận tải đa phương thức... để tăng năng lực phục vụ, mở rộng mạng đường bay.

Hơn nữa, các hãng hàng không Việt Nam buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành; phát triển đội tàu bay hiện đại, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo tốt an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay, quản lý hoạt động bay nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng không trong khu vực, tạo điều kiện cho các hãng hàng không ASEAN khai thác thị trường hàng không đi/ đến Việt Nam.

Từ năm 2015 đến nay, riêng cặp đường bay giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng thêm gần 10 đường bay, đạt hơn 30 đường bay do các hãng hàng không Việt Nam và ASEAN khai thác. Theo đánh giá, cho đến nay Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực thực hiện nhanh, hiệu quả hội nhập vận tải hàng không quốc tế trong ASEAN.

Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN.

Thống nhất mạng đường sắt Singapore - Côn Minh

Việc kết nối đường sắt trong ASEAN và ASEAN với các nước đối tác luôn được dư luận quan tâm, Bộ trưởng có thể cho biết tới đây sẽ có những dự án nào được triển khai?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hợp tác và kết nối đường sắt giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra tại Hội nghị ATM, thể hiện ở nhiều lĩnh vực: Kết nối hạ tầng, hợp tác công nghệ, đào tạo…

Trong đó, các nước ASEAN và Trung Quốc đang tích cực bàn bạc để hoàn thiện Khung triển khai hoạt động thống nhất trong mạng đường sắt Singapore - Côn Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt cho vận tải đường sắt qua biên giới giữa các nước ASEAN.

Các quốc gia ASEAN đang tích cực thực hiện nâng cấp và xây dựng các tuyến đường sắt mới để phát triển hệ thống đường sắt của nước mình và kết nối quốc tế điển hình như: Dự án khôi phục tuyến đường sắt kết nối Campuchia với Thái Lan đã hoàn thành đưa vào khai thác; Dự án tuyến đường sắt Viêng Chăn - Boten (Lào) kết nối với đường sắt Trung Quốc đã xây dựng hoàn thành 80% khối lượng và dự kiến khai thác năm 2021; Dự án tuyến đường sắt Bờ Đông của Malaysia… đang triển khai thực hiện.

Hiện, Việt Nam và Lào cũng đang tích cực xúc tiến đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Áng đến Viêng Chăn để kết nối đường sắt hai nước.

Đến thời điểm này, vận tải đường bộ qua lại giữa nước ASEAN đã được tạo điều kiện như thế nào so với trước?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đến nay, các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT), tạo thuận lợi cho hàng hóa qua biên giới (AFAFIST), Hiệp định khung ASEAN về vận tải hành khách qua biên giới (CBTP) và Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức (AFAMT).

Các nước ASEAN đang tích cực phối hợp, triển khai công tác chuẩn bị cho việc triển khai các hiệp định theo lộ trình này.

Cụ thể, Hiệp định về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh sẽ được thực hiện thông qua thí điểm Hệ thống hải quan quá cảnh, trong đó Việt Nam là một trong những nước thí điểm tại hành lang kinh tế Đông - Tây. Các nước tham gia thí điểm dự kiến trong năm 2020 bao gồm: Malaysia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Hiệp định về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh đã được 7 quốc gia ASEAN phê duyệt, trong đó có Việt Nam. Các nước ASEAN hiện đang xây dựng sổ tay quy trình để thực hiện vận tải qua biên giới giữa các nước ASEAN.

Liên quan đến Hiệp định về tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức, Khung thực hiện Hiệp định và Kế hoạch hành động 2020 - 2025 dự kiến sẽ được các Bộ trưởng các nước ASEAN thông qua tại Hội nghị ATM25 này.

Còn Hiệp định về tạo thuận lợi cho vận tải hành khách qua biên giới, việc thực hiện thí điểm đang được lập kế hoạch, hiện đã có Sổ tay về thủ tục cho khu vực công và tư.

Đến giai đoạn triển khai vào thực tế, chắc chắn các hiệp định này sẽ đem lại thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp vận tải và người dân các nước, giúp giảm thời gian, chi phí vận tải, từ đó thúc đẩy vận tải hàng hóa, hành khách liên vận giữa các nước cũng như vận chuyển logistics, thúc đẩy du lịch, kinh tế.