VNHN - Huyện Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không chỉ mệnh danh là “vương quốc” của tỏi, mà nơi đây còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ đầy sức hấp dẫn. Đặc biệt là con người nơi đây luôn thể hiện tình cảm chân thành, mến khách và sống gắn bó, thủy chung với biển và rất yêu biển.
Biển đảo Lý Sơn
Trong chuyến công tác về huyện Đảo Lý Sơn, chúng tôi đã rất ấn tượng với vùng đất và con người nơi đây. Đặc biệt khi tiếp xúc với những người con đất đảo, nhất là lớp trẻ nơi đây, trong tư duy, hành động của họ lúc nào cũng luôn hướng về biển đảo, trong đó không chỉ ý thức về chủ quyền của Quốc gia dân tộc mà trong họ luôn đau đáu là làm thế nào để bảo vệ môi trương, bảo tồn sự đa dạng hệ sinh thái của biển đảo quê hương.
Sinh vật biển Lý Sơn
Và chính vì tấm lòng yêu quê hương ấy mà những người đất đảo, nhất là lớp trẻ, nhiều bạn đã hành động bằng cách cùng nhau chia sẻ, tự nguyện thu gom, nhặt nhạnh từng chiếc chai, cái lọ… mà người dân sinh hoạt, hay du khách sau khi sử dụng thải ra, mang về xây dựng lên những ngôi nhà mang tính biểu tượng bằng chai, lọ, rác thải nhằm tạo ra thông điệp với mọi người là hãy ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chúng tôi tiếp xúc với một doanh nhân trẻ, Phạm Văn Công, anh cho biết: Để góp phần vào tiếng nói chung trong công tác bảo vệ môi trường biển đảo, trong thời gian qua, anh đã tự bỏ tiền của mình để làm những tấm biển kêu gọi người dân trên đảo, cũng như du khách đến thăm đảo, hãy cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, với những thông điệp ý nghĩa như: “Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh”, hay “Đừng để lại gì ngoài những dấu chân”… Không những thế, anh Phạm Văn Công còn bỏ tiền túi ra mua những loại hải sản biển quý cần được bảo tồn như cua Hoàng Đế, cá trứng… từ những ngư dân đánh bắt về còn đang sống, rồi lại tự mình lặn lội ra xa nhiều hải lý để thả chúng về với biển, sinh sôi nảy nở.
Thông điệp kêu gọi của các bạn trẻ Lý Sơn
Thả cua về lại với biển
Với những việc làm đầy ý nghĩa ấy, đã dần tạo được điểm chung trong ý thức công đồng của bà con huyện Đảo Lý Sơn. Hiện nay, ở Đảo Lý Sơn, một số bạn trẻ đã hình thành những hội, nhóm hành động chung tay bảo vệ môi trường, góp phần tái sinh nguồn lợi kinh tế biển qua các hành động cụ thể, đưa ra những khẩu hiệu kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, như nhắc nhở du khách, người dân không xả rác thải ra biển; chung tay nhặt rác tại các bãi biển, tái chế rác thải do khách du lịch, người dân vứt bỏ trên các bãi biển, tạo ra những bãi biển xanh, sạch đẹp quanh đảo.
Nhóm bạn trẻ xuất phát đi làm sạch môi trường quanh đảo
Những hành động, việc làm tự nguyện của Phạm Văn Công và một số bạn trẻ trên đảo Lý Sơn đối với môi trường, tài nguyên biển đảo là rất đáng khích lệ. Những hoạt động này cần các quan chức năng, tác động lan tỏa và nhân rộng để trở thành phong trào, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, cho khách du lịch và các chủ thể liên quan, góp phần phát triển kinh tế, du lịch huyện Đảo Lý Sơn theo hướng thân thiện hơn với môi trường, bảo tồn và khai thác tài nguyên biển, đảo lâu dài, bền vững./.