Tham dự Chương trình kỷ niệm và khai mạc Lễ hội, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban công tác Đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau; các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ban, Ủy ban, Văn phòng Bộ, ngành Trung ương; Tạp chí Cộng sản; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể cùng tướng lĩnh lực lượng vũ trang là con em quê hương Ninh Bình...
Đại biểu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, lãnh đạo xã Trường Yên, Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư. Đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương tới dự và theo dõi chương trình.
Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024 là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, các giá trị văn hóa tốt đẹp, ý chí độc lập, tự chủ, thống nhất và khát vọng hòa bình của dân tộc; thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc công lao, đóng góp to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế và các bậc tiền nhân. Đồng thời cũng là dịp để tôn vinh các giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Hoa Lư; thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Trong không khí trang trọng và thành kính, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã trình bày diễn văn kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, thân thế và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế gắn liền với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khai sinh quốc hiệu Đại Cồ Việt; khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng dân tộc, dựa trên bản lĩnh độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Tri ân công đức của Đinh Tiên Hoàng Đế, nhân dân và thể chế nhà nước các thời kỳ đã cho lập đền thờ tại khu vực cung điện xưa, hàng năm tổ chức Lễ hội Hoa Lư như lễ trọng. Cho đến ngày nay vẫn là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, đặc sắc riêng có của người dân cố đô Ninh Bình, là điểm hẹn của nhân dân và du khách trong nước, quốc tế, nơi bày tỏ lòng tôn kính với các bậc tiên đế, các anh hùng hào kiệt đã có công dựng nước, giữ nước và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2014.
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã kế thừa thành quả của các bậc tiền nhân, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, vươn lên và đạt được những thành tự quan trọng trên tất các các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 90% GRDP. Từ năm 2022 đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng "Xanh, Bền vững và Hài Hòa"; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với xây dựng đô thị di sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, đổi mới sáng tạo. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực, trụ cột là công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị; đã cơ bản đạt các tiêu chí tỉnh nông thôn mới. Du lịch và dịch vụ phát triển mãnh mẽ, Ninh Bình luôn trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu thế giới, nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện; An sinh xã hội được đảm bảo. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả. Vị thế của tỉnh Ninh Bình được nâng cao, là điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư.
Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, Tỉnh Ninh Bình tiếp tục kiên định, tập trung cao thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược mà Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã đề ra; quyết tâm phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa lâu đời. Trải qua thời gian, lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Với những giá trị tiêu biểu, trường tồn ấy, Lễ hội Hoa Lư đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, cùng với Cố đô Hoa Lư tạo nên giá trị đặc biệt của quần thể danh thắng Tràng An, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Lễ hội Hoa Lư 2024 diễn ra trong 3 ngày từ 17/4 và kéo dài đến hết ngày 19/4 (từ ngày mùng 9/3 đến 11/3 âm lịch) với chuỗi các hoạt động phần lễ và phần hội phong phú, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của đất và người Cố đô.