19/01/2025 lúc 12:07 (GMT+7)
Breaking News

Long An: Địa phương đầu tiên khu vực phía Nam được phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030

Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước và địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030.
Buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023 của tỉnh Long An

Cụ thể, vào giữa tháng 6/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 686/QĐ-TTg.

Được biết Quy hoạch này được xây dựng sau hơn 2 năm, có sự tham gia góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước. Tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh, kết hợp Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2023; dự kiến thành phần tham dự có Lãnh đạo Chính phủ, các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đây sẽ là sự kiện quan trọng để tỉnh Long An giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hiện nay tỉnh đã có 3 công trình trọng điểm: đường vành đai thành phố Tân An (đang triển khai thực hiện); đường tỉnh 830E (nút giao cao tốc đến đường tỉnh 830), huyện Bến Lức (đang triển khai thi công và chi trả cho người dân); đường tỉnh 827E.

Vào giữa tháng 6/2023, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt – (Ảnh: Internet)

Riêng đường tỉnh 827E, tỉnh đã thống nhất sẽ tập trung các nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng phần đường dẫn vào các cầu trên đường tỉnh 827E (cầu Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây), để kết nối các cầu với các tuyến đường tỉnh và quốc lộ nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư dự án bằng vốn vay ODA. Và tại 3 cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây thuộc dự án đường tỉnh 827E thì UBND tỉnh đã hoàn chỉnh lại đề xuất dự án theo ý kiến của Bộ Tài chính (Công văn 4754/UBND-KTTC ngày 02/6/2023).

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.

 

Hoàng Châu