Đến nay, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã có sự chuyển biến tích cực, được thể hiện trên nhiều phương diện; và đặc biệt, khối đại đoàn kết dân tộc ngày một gắn kết và lớn mạnh hơn.
Đ/c Hầu A Lềnh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng hoa Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ IV năm 2024
Từ chủ trương, chính sách của Đảng
Ngày 24/11/2023 Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Nghị quyết khẳng định, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại được thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Quyền làm chủ của Nhân dân được coi trọng, ngày càng đi vào thực chất, nhất là dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Vai trò của Nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước được phát huy; quyền con người, quyền công dân được đề cao. Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền chú trọng tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, bức xúc của Nhân dân…
Đảng ta khẳng định quan điểm: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới. Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời, Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển…
Lào Cai với chính sách Đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, với 25 dân tộc anh em chung sống, nơi mà nhận thức của đồng bào còn hạn chế; đây cũng là “mảnh đất” màu mỡ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm truyền đạo trái pháp luật; gieo rắc thông tin nhảm nhí, luận điệu xuyên tạc, kích động hòng gây rối trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở vùng đồng bào DTTS trở thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay. Yêu cầu đó đồng nghĩa với việc phải thực hiện tốt chính sách xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đối với vùng DTTS, miền núi.
Trong quá trình hình thành, tồn tại, phát triển của mình, cộng đồng các dân tộc anh em trong tỉnh Lào Cai luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tự cường trong chống giặc ngoại xâm, chung tay thực hiện nhiều cuộc vận động lớn góp phần bảo vệ vững chắc biên cương, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng. Tỉnh xác định, xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc không chỉ đơn thuần là tuyên tuyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết, mà còn phải thực hiện tốt các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng DTTS nhằm tạo nên những phát triển về mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS. Từ đó khối đại đoàn kết dân tộc sẽ được tạo dựng vững chắc hơn. Với mục tiêu nâng cao nhận thức, phòng tránh các thông tin, quan điểm sai trái, giúp người người dân vùng đồng bào DTTS hiểu đúng, không nghe theo kẻ xấu, thời gian qua tỉnh Lào Cai đã ban hành các chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách về thông tin cơ sở; đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở; tăng cường nội dung thông tin về miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới; đặt hàng sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc (Mông, Dao, Giáy); cấp phát các ấn phẩm báo chí cho các điểm bưu điện văn hóa xã, các thôn, bản, các điểm sinh hoạt cộng đồng. Từ năm 2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các lớp tập huấn tăng cường công tác biên soạn nội dung tuyên truyền cho cán bộ truyền thông cơ sở cho hàng loạt cán bộ quản lý, vận hành trạm truyền thanh cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên đến từ các xã và cán bộ quản lý, vận hành cụm loa thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền trực tiếp của các già làng, trưởng bản, người có uy tín và trưởng các ban, ngành đoàn thể ở cơ sở đóng vai trò quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, Tỉnh ủy chủ động chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo ở các cấp, bổ sung thêm các nhóm chuyên gia, tổ giúp việc, và đội ngũ cộng tác viên nhằm kịp thời nắm bắt tình hình dư luận tại cơ sở cũng như trên mạng xã hội. Các đội ngũ này thường xuyên theo dõi diễn biến dư luận, từ đó nhanh chóng tham mưu và đề xuất các biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn những vụ việc tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng” hoặc gây ra sự phức tạp tại cơ sở. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp can thiệp kỹ thuật, gỡ bỏ và xử lý các thông tin xuyên tạc, sai lệch trên mạng xã hội, từ đó duy trì ổn định tình hình và bảo đảm không gây ra hoang mang trong cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, biên giới, và nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số… Những biện pháp này đã góp phần tăng cường an ninh, ổn định xã hội tại các địa bàn trọng yếu, đặc biệt trong bối cảnh các thông tin sai lệch có thể lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người dân địa phương.
Gần đây nhất là trong giai đoạn 2022 - 2024, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức biên soạn và triển khai nhiều chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chuyên đề này tập trung vào những nội dung thiết yếu, giúp người dân nắm vững quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như các quy định pháp luật về đất đai, môi trường, hôn nhân - gia đình, và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đây là một nỗ lực quan trọng nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật trong cộng đồng dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng xã hội ổn định và đoàn kết.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai còn chỉ đạo thành lập, vận hành 167 trang tuyên truyền trên mạng xã hội của Ban Chỉ đạo 35 các cấp và 152 xã, phường, thị trấn. Đây là kênh thông tin chia sẻ, lan tỏa các thông tin chính thống trên mạng xã hội được người dân ở địa phương thường xuyên theo dõi và chia sẻ các thông tin. Tới nay, đã chia sẻ trên 3.000 tin, bài viết, phóng sự, video, clip từ các trang chính thống; thực hiện trên 12.300 lượt bình luận đấu tranh. Công tác tuyên truyền thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí, truyền thông ngày càng được đổi mới, phong phú, đa dạng; chỉ đạo và thực hiện rà soát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái thù địch ngày càng chủ động, quyết liệt và hiệu quả.
Song song với những hoạt động trên, việc tuyên truyền, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với vấn đề dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai được thực hiện thường xuyên. Nhiều hoạt động tuyên truyền được triển khai trong cộng đồng; trong đó có Hội thi tìm hiểu về pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức hàng năm tại các xã, huyện và trên toàn địa bàn toàn tỉnh Lào Cai.
Thời gian tới, để góp phần củng cố, tăng cường niềm tin trong các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, tạo sự ổn định, phát triển, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai và đổi mới các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, về xây đoàn kết trong đồng bào DTTS nói riêng. Các cấp ủy và chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo, định hướng, tuyên truyền, đảm bảo truyền tải nội dung sâu sắc và chính xác, trực quan và sinh động đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn; lan tỏa thông tin một cách đa dạng và nhanh chóng, phù hợp với nhận thức của cán bộ và người dân địa phương. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hội nghị tuyên vận cấp xã hàng tháng; nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các chi hội đoàn thể tại địa phương, nhằm giải thích, hướng dẫn và thuyết phục người dân, giúp đồng bào nâng cao nhận thức và cảnh giác trước các mưu đồ xấu của các thế lực thù địch. Đặc biệt chú trọng xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, trong đó có chính sách giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân...; đặc biệt là tại các khu vực khó khăn, vùng biên giới.
Đảng ta luôn xác định, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam. Nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển“ là nhất quán, xuyên suốt trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta nhằm không ngừng nâng cao đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của từng dân tộc. Với tinh thần đó, đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã và sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động, sản xuất để nâng cao mọi mặt đời sống vật chất - tinh thần; góp phần xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng giàu đẹp./.
Phương Anh