21/11/2024 lúc 14:43 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Tích cực đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lào Cai là tỉnh vùng cao, miền núi biên giới phía Bắc với 25 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm hơn 66%. Nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của công tác dân vận nói chung và dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, từ năm 2013, để Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 43 của Trung ương về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đi vào thực tiễn cuộc sống, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động số 127 với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Hơn 10 năm qua, căn cứ vào thực tế địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành gần 1.900 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác dân vận; các cấp ủy, tổ chức đảng và UBND các cấp tổ chức trên 2.180 hội nghị tuyên truyền, thu hút gần 187.000 người tham gia.

Nguồn: Báo Lào Cai

Trong quá trình đó, Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu tổ chức hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên Internet, mạng xã hội cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ làm công tác dân vận để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền, kiểm soát thông tin trên không gian mạng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; Mỗi người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị là một chiến sĩ dân vận trên không gian mạng bằng việc kết nối, gắn kết với cán bộ, người lao động nơi công tác, Nhân dân nơi cư trú tạo kênh liên kết chặt chẽ, gần gũi, chân thành, từ đó thông qua những lời nói, việc làm cụ thể để người dân hiểu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước trong tình hình mới.

Công tác dân vận đối với ĐBDTTS ở Lào Cai tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên có ý thức tuyên truyền, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đặc biệt chú trọng giới thiệu, lan tỏa các mô hình dân vận khéo, các gương người tốt việc tốt, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân trên mạng xã hội để người dân biết, học tập, làm theo; đồng thời có hình thức phù hợp để định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, lệch lạc trên mạng xã hội.

Ban Dân vận thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo tăng cường đi cơ sở, nắm bắt tình hình dư luận xã hội, định hướng dư luận và vận động Nhân dân cẩn trọng, cảnh giác trong việc tiếp cận các thông tin trên Internet, mạng xã hội để không bị các đối tượng xấu lừa đảo, rủ rê, lợi dụng sa vào những việc làm trái với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là những thông tin mang tính nhạy cảm, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp, cá nhân các lãnh đạo; công tác tôn giáo dân tộc; thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch trọng điểm; đất đai, giải phóng mặt bằng; chế độ chính sách…

Trong quá trình thực hiện công tác dân vận, tỉnh Lào Cai xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), thông tin đối ngoại vùng ĐBDTTS và miền núi có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của ĐBDTTS, là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống. Theo đó, những năm qua, Ban Dân tộc Tỉnh ủy Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan là thành viên Hội đồng PBGDPL như: Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,...để nâng cao hiệu quả thực hiện. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các luật: Luật Biên giới Quốc gia, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Căn cước công dân, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật An ninh mạng,… Xây dựng và duy trì nhiều mô hình điểm, hàng trăm câu lạc bộ về “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số”, “Tuyên truyền phổ biến pháp luật và phòng, chống mua bán người”; “Nói không với tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống”; “Phụ nữ với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mẹ và con gái”...

Nguồn: Báo Lào Cai

Lào Cai thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung PBGDPL và tuyên truyền vận động thực hiện chính sách dân tộc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS. Đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về PBGDPL cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc từ huyện đến xã và đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh… Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, với sự chủ động vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội. Toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 5.287 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó có gần 200 mô hình tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tích cực đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành pháp luật, hướng hoạt động PBGDPL về cơ sở, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số trong công tác PBGDPL cho Nhân dân nói chung, cho đồng bào DTTS nói riêng, trước hết là xây dựng các chuyên trang, chuyên mục riêng về PBGDPL dành cho dồng bào DTTS. Một trong những đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua ở Lào Cai là đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân trong việc tổ chức tốt các chương trình giao lưu hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa giữa nhân dân hai bên biên giới. Đã tổ chức kết nghĩa giữa 10 Đồn Biên phòng (Việt Nam) với 15 phân Trạm, Trạm kiểm soát biên phòng xuất nhập cảnh, Đồn biên giới, Đại đội quản lý biên giới (Trung Quốc) và 6 cụm dân cư hai bên biên giới; qua đó đã góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới.

Trong giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các ấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở đó, phát huy hơn nữa vai trò MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả về chính sách dân tộc, các nghị quyết, đề án của tỉnh theo quan điểm lấy “dân làm gốc”; tăng cường sự đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số với công tác đối ngoại nhân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch…

Trong các giải pháp thực hiện công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số thời gian tới, tỉnh Lào Cai tập trung vào đổi mới nội dung và phương thức vận động nhân dân phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương; lợi ích, trình độ và khả năng của các tầng lớp xã hội. Xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh. Xây dựng phong cách dân vận của cán bộ, đảng viên theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”./.

Thanh Huyền

...