23/04/2024 lúc 18:57 (GMT+7)
Breaking News

Krông Nô (Đắk Nông): Đánh thức tiềm năng du lịch giữa đại ngàn

Huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là vùng đất hội tụ nền văn hoá của đông đảo các dân tộc, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh. Đặc biệt là có hệ thống núi lửa thuộc vùng lõi của Công viên địa chất Đắk Nông, sông Krông Nô hùng vĩ trãi dài từ đầu đến cuối huyện. Với những lợi thế sẵn có, Krông Nô đã và đang từng bước phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trên địa bàn.

Tiềm năng du lịch

Huyện Krông Nô nằm ở vị trí phía Đông Bắc của tỉnh Đắk Nông, cách thành phố Gia Nghĩa hơn 90 km theo đường Quốc lộ 28, cách sân bay Buôn Ma thuột 57 km và cách thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng khoảng 170 km. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trong việc kết nối, mở rộng tuor, tuyến du lịch. Đây cũng chính là những điều kiện thuận lợi để huyện phát triển du lịch.

Nhiều lễ hội đậm nét văn hoá...

Bên cạnh đó, huyện Krông Nô có đến 26 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 2 dân tộc bản địa là M’Nông Prech và Ê Đê Bih tạo nên sự giao thoa văn hóa vùng miền giữa các dân tộc. Cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ có lịch sử cư trú lâu đời, đời sống sinh hoạt và sản xuất gắn liền với núi rừng, nương rẫy… Đã hình thành nên một kho tàng di sản văn hoá hết sức độc đáo, đa dạng và phong phú, nổi bật là cồng chiêng, diễn tấu cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân gian truyền thống (Đinh năm, Đinh tút, Gông rêng, Nung, Wao, Rlét M’buốt…), hát kể sử thi, các nghi Lễ, Lễ hội, dệt thổ cẩm, đan lát… đặc biệt là các làn điệu dân ca, dân vũ luôn phản ánh thế giới quan tín ngưỡng đa thần, không chỉ riêng về đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ mà còn làm nổi bật nét đẹp bản sắc văn hoá riêng của huyện Krông Nô. Đối với các dân tộc di cư, đa số là các dân ngoài phía Bắc vào sinh sống đồng nghĩa với việc mang theo bản sắc văn hoá truyền thống của từng dân tộc tạo nên một bức tranh văn hoá đa dạng, phong phú trên mảnh đất Krông Nô.

Trung tâm huyện Krông Nô

Nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như Thác Đray Sáp, Đray Sáp thượng, Hồ EaSnô, thác Bảy tầng Nâm Nung, thủy điện buôn Tusa. Trong 04 di tích lịch sử cấp quốc gia đã được công nhận (di tích lịch sử cách mạng B4 liên tỉnh IV Nâm Nung; Khu di tích lịch sử Lưu niệm N’Trang Gưh, Thắng cảnh Đray Sáp và Đray Sáp thượng) có 02 di tích lịch sử thắng cảnh nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến, thắng cảnh Đrây Sáp và Đrây Sáp thượng đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích lịch sử thắng cảnh văn hóa.

Nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.

Phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Công viên địa chất Đắk Nông (sau đây gọi tắt là Công viên địa chất) nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn. Ranh giới của Công viên địa chất trải dài trên 05 huyện và 01 thành phố gồm huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk GLong và thành phố Gia Nghĩa.

Công viên địa chất Đăk Nông được Ủy ban UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7 năm 2020 thuộc địa bàn 6 huyện, thành phố. Trong đó huyện Krông Nô là vùng lõi có nhiều hệ thống hang động núi lửa, nhiều cánh đồng nhung nham, một trong những điều kiện cơ bản để Uỷ ban UNESCO phê duyệt hồ sơ. Công viên địa chất cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 230km và cách Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) 15 km; có Quốc lộ 28 nối Công viên địa chất Đắk Nông với Lâm Đồng (cách Thành phố Đà Lạt) 110km và Thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) 160km.

Đại diện tổ chức Unesco trao bằng chứng nhận "Công viên Địa chất toàn cầu cho Công viên địa chất Đắk Nông".

Mang giá trị về địa chất địa mạo, văn hoá và các giá trị về đa dạng sinh học môi trường cùng với những lợi thế trên, chính quyền tỉnh Đắk Nông nói chung và huyện Krông Nô nói riêng đã có những Chương trình hành động, kế hoạch phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất.

Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng và phát triển du lịch gắn với Công viên địa Chất toàn cầu UNESCOO Đắk Nông tại huyện Krông Nô vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực trạng ngành du lịch hiện nay trên địa bàn huyện Krông Nô chưa thực sự phát triển. Kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện chủ yếu dự vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn. Việc phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO chưa phát huy được là do chưa thu hút được các nhà đầu tư vào đầu tư khai thác du lịch trong vùng Công viên địa chất trên địa bàn huyện, chưa phát triển được các mô hình du lịch Homestay, du lịch cộng đồng và mô hình du lịch FarmStay để thu hút khách du lịch. Hơn nữa, người dân nơi đây chủ yếu là thuần nông, nên các hộ dân chưa nhận thức được các lợi ích từ các dịch vụ du lịch tại nhà nên khó khăn trong công tác vận động hộ dân đăng ký đầu tư phục vụ khách du lịch… Việc đầu tư vào kinh doanh dịch vụ du lịch cần có nguồn vốn tương đối lớn, đầu tư nhiều nhưng việc thu hồi vốn lại cần có thời gian dài cho nên người dân còn quan ngại với mô hình du lịch cộng đồng.

Núi lửa Nâm Kar trong quần thể Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông. Ảnh: Trần An

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Danh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Việc phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất trên địa bàn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Huyện uỷ. Tuy nhiên, để sớm thực hiện được cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của nhân dân trên địa bàn…”

Để khuyến khích việc đầu tư phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng gắn với Công viên địa chất nói riêng, ngày 02/8/2018 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông. Theo Nghị quyết, du lịch được ưu tiên chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng... tiềm năng sản phẩm nông nghiệp “Hỗ trợ cho thôn, bon, buôn, tổ dân phố làm du lịch homestay (có quy mô phục vụ từ 20 khách trở lên) 100% kinh phí xây nhà vệ sinh công cộng, lắp đặt bảng chỉ dẫn nhưng không quá 200 triệu đồng/thôn, bon, buôn. Hỗ trợ làm du lịch homestay và du lịch canh nông có quy mô phục vụ cùng lúc từ 10 khách lưu trú trở lên…

 Về phía huyện, ngày 28/12/2018 UBND huyện Krông Nô đã ra Quyết định số: 3517/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch (Homestay), chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngoài việc ban hành các chủ trương chính sách, huyện cũng đã chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành chức năng của tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp về khảo sát để đầu tư phát triền du lịch tại huyện. Song song với việc kêu gọi thu hút đầu tư, để quảng bá hình ảnh địa phương thu hút du khách và nâng cao nhận thức của người dân, ngoài việc quảng bá trên truyền thông, UBND huyện đã chỉ đạo cho phòng Văn hoá - Thông tin in ấn 15.000 tờ rơi, 3.000 áp phích về nội dung nâng cao nhận thức bảo vệ di sản và tuyên truyền quảng bá Công viên đìa chất UNESCO Đắk Nông, cấp phát cho các trường học và các xã, thị trấn để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Xây dựng địa điểm check-in, cắm trại ngoài trời, du lịch sinh thái, tìm hiểu thiên nhiên, giáo dục môi trường phù hợp với văn hóa bản địa và di sản địa chất…/…

Thế Hùng