VNHN - Thời gian gần đây trên các dãy phố và ven các tuyến đường lớn ở Hà Nội, những gian hàng dựng tạm để bày bán bánh Trung thu mọc lên rất nhiều và được trang trí bắt mắt mời gọi người tiêu dùng. Thế nhưng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm bánh Trung thu trong nước và bánh trung thu ngoại nhập lậu tràn lan luôn được cả xã hội quan tâm, nhưng mỗi năm thị trường lại có những diễn biến mới, rất khó kiểm soát.
Bánh Trung thu ngày càng đa dạng về kích cỡ, màu sắc, chủng loại là điều có thể thấy rõ, nhưng bánh có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không thì chỉ có người sản xuất mới biết được, nhất là hiện nay, cơ chế quản lý đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và các doanh nghiệp được tự công bố về sản phẩm.
Theo báo cáo của các địa phương, thực hiện cơ chế quản lý thực phẩm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo Nghị định 15 năm 2018 của Chính phủ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu năm nay có xu hướng tăng lên. Bởi thủ tục hành chính để được sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiện nay nhanh gọn. Doanh nghiệp, cơ sở được tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
Bánh trung thu Handmade liệu có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2018 thị trường bánh Trung thu xuất hiện bánh từ Trung Quốc với giá siêu rẻ, chỉ 2.000 đồng/chiếc. Còn năm nay lại có hiện tượng bánh trứng chảy nhập về nhiều với giá thành thấp trên tờ khai hải quan. Giá rẻ cho nên không ít đơn vị kinh doanh muốn tranh thủ kiếm lợi nhuận, nhập ồ ạt sản phẩm này. Mới đây nhất, tại quận Hoàng Mai, các lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 4.500 chiếc bánh trứng chảy không rõ nguồn gốc. Nếu hàng nghìn chiếc bánh này được tung ra thị trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị phần bánh Trung thu và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chân chính.
Ngoài bánh giá rẻ không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, nguyên liệu làm bánh cũng là vấn đề khó kiểm soát. Với nhiều cơ sở gia công thiếu chính quy, việc tập kết nguyên vật liệu khó bảo đảm tốt quy trình và chất lượng chế biến xử lý. Bánh Trung thu hiện được sản xuất từ ba nguồn, các công ty sản xuất bánh kẹo, các cơ sở sản xuất thủ công, hộ gia đình tự sản xuất và mấy năm gần đây, đang bùng nổ hiện tượng bánh Trung thu "handmade". Dù số lượng không lớn nhưng rất khó để kiểm soát nguồn nguyên liệu làm bánh cũng như quá trình sản xuất có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Dòng bánh này lại thường được bán thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook... với những lời quảng cáo nhiều khi chưa đúng với thực tế sản phẩm.
Bánh trung thu thật giả lẫn lộn
Hồi năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã thu giữ hơn 10.000 bánh trung thu mini nhập lậu (mini Đài Loan), giá chỉ từ 2.000-3.000/cái tại một cửa hàng nông sản ở La Phú, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Các sản phẩm bị thu giữ, gồm bánh nướng, bánh dẻo, bánh trứng… Tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Hàng còn đựng trong các bao tải, không có thông tin về hạn sử dụng.
Năm nay, ngoài những thương hiệu bánh Trung thu nổi tiếng ở trong nước ra trên thị trường cũng đã xuất hiện nhiều loại bánh trung thu giá rẻ được bày bán với số lượng lớn. Đáng chú ý, bên cạnh loại bánh được quảng cáo là hàng xách tay xịn với giá bán trên dưới 1 triệu đồng/hộp, thì còn xuất hiện loại bánh trung thu với nhân trứng muối tan chảy hàng VIP với giá bán lẻ dao động từ 130.000-150.000 đồng/hộp 6 chiếc.
Mới đây nhất, tại quận Hoàng Mai, các lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 4.500 chiếc bánh trứng chảy không rõ nguồn gốc. nếu số bánh này được đưa ra thị trường sẽ ảnh hưởng đến thị phần bánh Trung thu và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Là địa phương có làng nghề truyền thống sản xuất bánh mứt kẹo, quận Bắc Từ Liêm có 14 hộ sản xuất bánh Trung thu (phường Xuân Đỉnh và phường Xuân Tảo), trong đó, có 8 hộ sản xuất nhân bánh. Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Phạm Thị Chinh cho biết, đây đều là những hộ sản xuất nhỏ lẻ, nên đa số thuê nhân công thời vụ.
Ảnh bánh trung thu bị mốc
Trước mùa Trung thu, công tác kiểm tra được quân Bắc Từ Liêm thực hiện rất sát sao, đến nay đã có 4 hộ được thanh tra và lấy mẫu kiểm nghiệm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, quận cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu. Ngoài ra, một số hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất có giấy kiểm nghiệm nhưng không lưu giữ tại cơ sở. "Quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở vẫn dùng tay không làm nhân bánh, gây mất an toàn vệ sinh. Trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền cũng như có biện pháp xử lý kịp thời vi phạm", bà Chinh cho hay.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, việc quảng cáo về bánh Trung thu handmade đều phải xin phép. Nhưng hiện nay có nhiều hình thức bán hàng đa kênh chưa quản lý được như trên mạng xã hội: Zalo, Facebook... Thời gian qua, Cục quản lý thị trường đã xử lý nhiều vụ việc tuyên truyền quảng bá chưa đúng như thực chất sản phẩm, được phản ánh qua ý kiến của người tiêu dùng và báo chí. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng cũng như người dân để kiểm soát tốt hơn sản phẩm thực phẩm bán qua kênh này”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, Hà Nội đã có sự phân công rõ ràng từ xã, phường, quận, huyện đến cấp Thành phố trong quản lý an toàn thực phẩm. So với trước đây, vấn đề quản lý đã tránh được sự chồng chéo “một chiếc bánh 3 ngành cùng quản”. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cả công tác quản lý.
Sở Công Thương là đơn vị có trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm, cụ thể là từ quá trình sản xuất đến phân phối sản phẩm bánh Trung thu, theo đúng quy định của Bộ Công Thương. Việc kiểm tra không phải mục đích chỉ để xử lý vi phạm, mà qua đó tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định bảo đảm . “Chúng tôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm nói chung, bánh Trung thu nói riêng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hãy nói không với bánh trôi nổi trên thị trường nhằm bảo đảm sức khỏe”, ông Đàm Tiến Thắng khuyến cáo.
Bắt giữ nguyên liệu làm bánh trung thu không rõ nguyên gốc
Để mỗi sản phẩm bánh Trung thu đến với các gia đình, trẻ nhỏ được an toàn, các đơn vị, cơ sở, cá nhân sản xuất cần có ý thức, trách nhiệm trong từng khâu nguyên liệu, sản xuất và bảo quản. Nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, ước chừng số lượng cung ứng với những hợp đồng đặt hàng chặt chẽ, như vậy sẽ giảm được số lượng bánh Trung thu dư thừa.
Còn nửa tháng nữa là đến rằm tháng 8 âm lịch và đang là thời điểm bánh trung thu được tiêu thụ nhiều nhất, nhưng sự an toàn của những chiếc bánh vẫn là nỗi băn khoăn. Chưa cần nói đến kết quả xét nghiệm, chỉ xét về giá bán của những chiếc bánh nhập lậu rẻ hơn cả giá nguyên liệu đạt chuẩn đã đủ thấy những nghi ngại về an toàn thực phẩm là hoàn toàn có cơ sở.