Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chỉ trong vòng nửa năm, tỉnh Khánh Hòa đã có được 3 văn bản rất quan trọng đối với định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đó là Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị (28-1-2022) về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 42 của Chính phủ (21-3-2022) ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2022 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2022. Đây được xem là cơ sở vững chắc để phát triển tỉnh Khánh Hòa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình.
Cùng với đó, Nghị quyết 55 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, nghị quyết cũng cho phép thành lập quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác.
"Tuy chưa có thông tin chính thức nhưng tôi nghe rất nhiều đồng chí chia sẻ rằng có lẽ nghị quyết về cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa là nghị quyết cuối cùng đối với các địa phương. Bởi vì đã có 9/63 tỉnh, thành thí điểm rồi. Nếu nhiều hơn nữa sẽ không phải là thí điểm nữa. Đó là điều rất may mắn, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Khánh Hòa", ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho hay.
Ông Nguyễn Hải Ninh cũng cho rằng sự quan tâm đó của lãnh đạo Đảng, Nhà nước còn là trao sứ mệnh cho tỉnh Khánh Hòa. "Những cơ chế, chính sách đặc thù đó, những định hướng phát triển đó không đơn giản mà có. Nó bắt nguồn từ tiềm năng, thế mạnh cũng như chiến lược phát triển của tỉnh Khánh Hòa. Không có cá nhân nào, không phải bí thư hay chủ tịch hay bất kỳ ai có thể thuyết phục được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành các nghị quyết quan trọng ấy. Đây là sức mạnh, giá trị tự thân của cả tỉnh Khánh Hòa. Chính vì thế, việc tổ chức thực hiện như thế nào là một thách thức rất lớn" - ông Ninh nói thêm.
Ông Ninh cũng cho rằng để thực hiện các nghị quyết trên, đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh chỉ còn 8 năm để thực hiện. "Đây là giai đoạn rất quan trọng đối với tỉnh Khánh Hòa. Với những chính sách đã ban hành, Khánh Hòa sẽ làm thế nào để thực hiện được định hướng đó? Để triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ thì Khánh Hòa phải làm rất nhiều"./.
Tuấn Khôi - Võ Hà