23/01/2025 lúc 02:23 (GMT+7)
Breaking News

Khai thác tiềm năng lợi thế từ núi rừng để phát triển sản phẩm OCOP

Quan Hóa là huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hóa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Song chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai đồng bộ, các tiềm năng phát triển kinh tế được khơi dậy, đặc biệt là phát triển các sản phẩm (OCOP) đã mang lại kết quả khả quan.

VNHN - Quan Hóa là huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hóa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Song chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai đồng bộ, các tiềm năng phát triển kinh tế được khơi dậy, đặc biệt là phát triển các sản phẩm (OCOP) đã mang lại kết quả khả quan.

Ngay khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP),UBND huyện đã tham mưu bổ sung nhiệm vụ triển khai chương trình OCOP vào nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 các cấp. Phân công phụ trách, quản lý, theo dõi, thực hiện chương trình OCOP; giao Phòng Nông nghiệp là cơ quan thường trực chương trình OCOP cấp huyện; UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện, có 1 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách OCOP, được lồng ghép trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại các xã. Phòng Nông nghiệp có nhiệm vụ phối hợp với phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Văn hóa thông tin hướng dẫn cho các xã, thị trấn và các chủ thể sản xuất, kinh doanh đăng ký ý tưởng sản phẩm, xây dựng hồ sơ tham gia chương trình OCOP cấp huyện. UBND huyện sẽ hỗ trợ các chủ thể OCOP về kiểm định chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn mác, tem truy suất nguồn gốc (mã QR), nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế bao bì sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Chè Tán ma tại xã Hiền Kiệt

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP được đẩy mạnh. UBND huyện phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh và Trường Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội nghị triển khai các nội dung về Chương trình OCOP cho thành viên Ban chỉ đạo(BCĐ) NTM huyện, đại diện BCĐ các xã, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp biết và đăng ký ý tưởng tham gia chương trình OCOP. Số người tham gia 200 đại biểu. Tháng 5 năm 2021 mời cán bộ phụ trách OCOP (Văn phòng điều phối NTM tỉnh) tập huấn cho BCĐ 15 xã thị trấn tại UBND huyện. Ngoài ra, UBND huyện đã triển khai Chương trình OCOP đến UBND các xã, thị trấn trên cơ sở lồng ghép với các cuộc họp sơ kết tình hình sản xuất nông nghiệp hàng quý, 6 tháng và năm của huyện. Đồng thời, triển khai chương trình OCOP đến các chủ thể thông qua hệ thống loa truyền thông của xã. Tham gia tập huấn về Chương trình: Cử cán bộ phụ trách OCOP cấp huyện, xã và các chủ thể tham gia tập huấn trực tuyến do Trương ướng và cấp tỉnh tổ chức.

Bánh nhãn thị trấn Hồi Xuân

Xác định phát triển sản phẩm OCOPchủ yếu theo hai hướng: Phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã có (chủ yếu là các sản phẩm truyền thống); phát triển từ các ý tưởng sản phẩm mới theo hướng khai thác, phát huy thế mạnh của các xã, thị trấn. Năm 2021, có 03 chủ thể đăng ký tham gia với 04 sản phẩm: Măng khô, Thịt Bò sấy khô của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Mường CaDa (thị trấn Hồi Xuân); Chè tán ma Hiền Kiệt - Tổ hợp tác; Măng muối chua Piềng Cú (xã Phú Nghiêm). Trong đó có 03 sản phẩm được hỗ trợ tư vấn làm hồ sơ để dự thi cấp tỉnh, kết quả có 02 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Huyện cũng hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh (30 triệu/1sản phẩm).

Măng khô Mường Ca Da

Công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được quan tâm.Hệ thống phân phối hàng hoá được định hình. Ngoài các chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng bách hóa tổng hợp được hình thành, phát triển.Các sản phẩm OCOP và các sản phẩm có tiềm năng lợi thế của địa phương được đưa lên sàn giao dịch điện tử.

Huyện cũng đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2022 đạt thêm 03 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trên cơ sở các sản phẩm đã được công nhận, xếp hạng 3 sao cấp tỉnh, tiếp tục phát triển để đạt 4-5 sao.

Mặc dù là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của huyện ủy, UBND huyện và các chủ thể OCOP đang tạo ra những bước ngoặt cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước làm thay đổi tư duy, biến những tiềm năng lợi thế từ núi rừng thành sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho chủ thể và người lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.