22/01/2025 lúc 20:11 (GMT+7)
Breaking News

Khai thác hiệu quả hơn nữa tài sản, nguồn vốn rất lớn đang có tại các doanh nghiệp nhà nước

Ngày 3/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt đầu xuân của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiêu biểu.

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo 130 doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu toàn quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị 

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích tình hình, đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ luôn bên cạnh các DNNN, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước; nhấn mạnh quan điểm phát triển DNNN nhanh, bền vững, đúng hướng, góp phần thực hiện chủ trương kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế, trong đó DNNN đóng vai trò tiên phong, nòng cốt.

Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta đang đi đúng hướng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, với hệ thống lý luận, con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội đến nay đã cơ bản hoàn thiện, phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống lịch sử, văn hóa, điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tình hình thực tiễn, yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng.

Thủ tướng yêu cầu các DNNN cần vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và bền bỉ vượt khó khăn thách thức.

Phân tích về sứ mệnh của DNNN, Thủ tướng nêu rõ: Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì sứ mệnh của DNNN là phải phát huy vai trò tiên phong, đầu tàu, gương mẫu, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng quan trọng, nòng cốt, vị trí then chốt, thúc đẩy, dẫn dắt phát triển kinh tế, xứng đáng với nỗ lực, hy sinh của những thế hệ đi trước, tự hào, phát huy truyền thống vẻ vang qua nhiều thế hệ, những nỗ lực, thành quả đạt được trong những năm qua.

Đánh giá cao các báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng ghi nhận sự đóng góp quan trọng, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng với sự phát triển của đất nước. Nhấn mạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau gần 40 năm đổi mới, vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh, bao vây, cấm vận, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Thủ tướng cũng khẳng định những thành tựu, kết quả rất cơ bản của các DNNN với tinh thần bám đuổi, theo kịp, tiến cùng và vượt lên, với nhiều ví dụ cụ thể về các DNNN vươn lên trong khó khăn.

Năm 2023 có nhiều khó khăn, nhưng tổng doanh thu của các DNNN đạt khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm, đóng góp ngân sách nhà nước ước khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Các DNNN tiếp tục nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho người lao động.

DNNN tiếp tục thực hiện tốt việc bảo toàn, phát triển vốn, tài sản, nỗ lực áp dụng công nghệ, quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty vươn lên về công nghệ mới, tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hoạt động kinh doanh của một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn có nhiều tiến bộ. Các DNNN góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng cũng nêu rõ: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN cơ bản duy trì ổn định nhưng vẫn có một số doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, một số tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận âm, trong đó có doanh nghiệp có quy mô lớn, vai trò quan trọng.

Các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty mặc dù đã rất nỗ lực triển khai các dự án đầu tư mới nhưng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được giao nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả.

Năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công tác đổi mới quản trị kinh doanh còn chậm, chưa thực sự hướng tới các nguyên tắc, thông lệ quốc tế, chi phí sản xuất kinh doanh còn lớn, công nghệ, công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công có hạn chế, chưa đạt bình quân chung cả nước năm 2023. Tỉ trọng đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là những ngành mới như sản xuất năng lượng sạch, tái tạo, công nghệ cao, chip bán dẫn, hydrogen chưa được ưu tiên, chưa có những dự án đầu tư phát triển với quy mô lớn để tạo động lực bứt phá, có tính lan tỏa. Một số doanh nghiệp để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, phải xử lý…

Nguyên nhân là có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng trước những biến động lớn, phản ứng chính sách chưa kịp thời, tái cấu trúc chưa phù hợp tình hình; tinh thần đổi mới sáng tạo ở một số tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế, còn sợ sai, sợ trách nhiệm, một số chế độ, chính sách chưa phù hợp.

Thủ tướng nhấn mạnh cần rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân của những điểm chưa được, xử lý nghiêm những người làm sai, vi phạm nhưng không vì thế mà chùn bước; phải nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái bằng tất cả tư duy, kinh nghiệm sẵn có cộng với kinh nghiệm của thế giới; phải chủ động hơn nữa đề ra những cách làm mới thì mới tăng tốc và vượt lên được.

Theo Thủ tướng, các DNNN phải tự tin đi lên, thắng không kiêu, bại không nản, tạo động lực mới, khí thế mới, thành quả mới, thắng lợi mới, quan trọng là phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc, phản ứng chính sách kịp thời, phát triển chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân của những điểm chưa được, xử lý nghiêm những người làm sai, vi phạm nhưng không vì thế mà chùn bước

Thủ tướng tin tưởng nhất định các DNNN sẽ làm được khi lãnh đạo các DNNN đều đã qua nhiều vị trí khác nhau, trải qua nhiều khó khăn, thách thức để trưởng thành, có đủ năng lực, trình độ để xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/2/2024 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN và các chỉ đạo, kết luận khác có liên quan.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế; DNNN cần là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN theo hướng nâng cao chất lượng, cụ thể là nghiên cứu, hợp tác triển khai một số dự án năng lượng, công nghệ mới theo xu hướng dịch chuyển trên thế giới, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời đẩy mạnh các động lực mới về tăng trưởng liên quan chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tạo các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, tạo động lực bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển hàng năm, 5 năm đã được phê duyệt, rà soát, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình.

Rà soát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp, các dự án đầu tư, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế; sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiếp tục cơ cấu lại các đơn vị thành viên, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ, không hiệu quả, duy trì nắm giữ, tăng vốn tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính.

Chú trọng xây dựng thương hiệu, đánh giá đúng và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng DNNN để vươn lên. Xử lý dứt điểm các tồn tại, các dự án yếu kém trên cơ sở xem xét lợi ích tổng thể chứ không phải lợi ích cục bộ.

Nhấn mạnh chiến lược đúng đắn sẽ giúp vượt qua thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh cần tái cấu trúc quản trị, cụ thể là tái cấu trúc bộ máy hoạt động tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tái cấu trúc lực lượng lao động theo hướng nâng cao chất lượng, giảm số lượng; tái cấu trúc về vốn, bảo đảm an toàn, phát triển vốn, tập trung cho đầu tư phát triển; tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh; nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc kinh tế cả ở trong nước và nước ngoài; bảo đảm tăng trưởng, từ đó đóng góp cho tăng trưởng chung, ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống của người lao động.

Làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, khơi thông nguồn lực DNNN ngang tầm chiến lược, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, manh mún, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư xã hội, huy động nguồn lực của xã hội. Thủ tướng lấy ví dụ, việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối phải huy động sức mạnh của các địa phương, của các doanh nghiệp, tạo cạnh tranh, chống độc quyền trong xây dựng đường dây tải điện này.

Thủ tướng lưu ý thúc đẩy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); sử dụng nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

"Điều tôi mong muốn nhất, thông điệp tôi muốn truyền tải là DNNN phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi; trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay", Thủ tướng nói.

Với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm", phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, tăng tốc phát triển.

Các bộ, ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 06/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng đề án về quản lý nhà nước với DNNN, theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sơ kết mô hình Ủy ban, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan và chủ động, tích cực hơn nữa trong hoạt động.

Các địa phương cũng phải tích cực vào cuộc, phát huy, nhân lên các mô hình tốt như Becamex Bình Dương; đóng góp vào việc xây dựng thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ chế giám sát để bảo đảm hoạt động lành mạnh, hiệu quả của các DNNN.

Kế thừa tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân và Nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên", đồng thời phát triển DNNN bảo đảm cạnh tranh theo cơ chế thị trường; phát huy vai trò nòng cốt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sử dụng những nguồn lực lớn của đất nước, tạo động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và là công cụ dẫn dắt, định hướng cho các thành phần kinh tế khác, Thủ tướng tin tưởng với năng lực, kinh nghiệm đã có, đường lối đúng đắn của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các DNNN tiếp tục duy trì, thúc đẩy đà phát triển, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân./.

Phạm Minh Hòa

...