Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu, cùng toàn thể các đồng chí,
Tiếp theo Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - Vùng cực Bắc của Tổ quốc vừa được tổ chức rất thành công vào tuần trước, hôm nay, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) để phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 02/4 mới đây), nhằm quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và cả nước, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long - Vùng cực Nam của Tổ quốc, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết quan trọng này. Sự có mặt đông đủ các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và toàn bộ 13 tỉnh, thành phố trong Vùng đã thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của chúng ta trong việc đổi mới xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước. Bộ Chính trị cũng đã giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tiến hành tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị các khoá trước và xây dựng trình Bộ Chính trị khoá XIII xem xét ban hành và sẽ lần lượt triển khai thực hiện các nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh 4 vùng còn lại, bao gồm: (1) Vùng đồng bằng Sông Hồng; (2) Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; (3) Vùng Tây Nguyên; và (4) Vùng Đông Nam Bộ, theo tinh thần như tôi đã nhiều lần nói: "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt".
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và với tình cảm cá nhân, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng tất cả các đồng chí tham dự Hội nghị ở trung tâm Hà Nội cũng như tại các điểm cầu, đặc biệt là điểm cầu các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mong các đồng chí tập trung nghiên cứu, thảo luận, tiếp thu sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết mới ban hành này của Bộ Chính trị, đáp ứng đầy đủ các mục đích, yêu cầu đề ra.
Thưa các đồng chí,
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Ban Tổ chức Hội nghị đã báo cáo, phổ biến đầy đủ với các đồng chí về chương trình, nội dung, cách thức tiến hành Hội nghị. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã được gửi tới các đồng chí; nội dung rất rõ ràng, dễ hiểu; các đồng chí cần nghiên cứu trực tiếp, kỹ lưỡng. Các ý kiến phát biểu của một số đồng chí Trung ương đại diện cho một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã làm phong phú, sâu sắc thêm một số vấn đề. Để giúp các đồng chí hiểu rõ hơn, sâu hơn một số vấn đề, tôi chỉ xin tập trung vào trả lời 3 câu hỏi: (1) Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?. (2) Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì?. (3) Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?.
1. Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết mới về Vùng đồng bằng sông Cửu Long?
Theo tôi, có 3 lý do chủ yếu:
Thứ nhất, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết lần này là để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng. Như các đồng chí đã biết, phát triển vùng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với từng vùng mà còn đối với cả nước. Do vậy, trong suốt 35 năm đổi mới và qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn chú trọng phát triển vùng nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và các địa phương trong vùng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội đã khẳng định chủ trương: "Bảo đảm phát triển hài hoà giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư; các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc". Và gần đây nhất, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã đề ra chủ trương: "Nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.... Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng"; và "Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng và bố trí nguồn lực nhằm phát huy lợi thế vùng. Tập trung xây dựng quy hoạch vùng mang tính đột phá theo hướng tích hợp, đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện có hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý, phát triển vùng". Cụ thể hoá chủ trương, định hướng phát triển vùng của Đảng, trong 20 năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và 6 Kết luận về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 và 2020.
Vì vậy, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khoá XI; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết mới về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cần thiết, đúng đắn, góp phần thiết thực vào việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao và phù hợp với bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và trong nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen.
Thứ hai, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tạo ra một bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của Vùng trong giai đoạn mới: Như chúng ta đều biết, Vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 6 Vùng kinh tế - xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước; trong đó có khoảng 1,5 triệu ha đất trồng lúa mầu mỡ bậc nhất ở nước ta và trên thế giới; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước.
Đây là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm liền kề với Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Đông Nam Bộ; phía Bắc giáp nước bạn Cam-pu-chia, phía Tây Nam là Vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông, nên có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước. Vùng nằm liền kề tuyến hàng hải Đông - Tây, có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, kết nối Nam Á và Đông Á cũng như với Úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương, với chiều dài hơn 700 km bờ biển, chiếm 23% bờ biển cả nước, khoảng 360.000 km2 vùng biển và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế; có các quần đảo Thổ Chu, Nam Du và đảo Phú Quốc là những chuỗi đảo hết sức quan trọng kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình Dương qua Biển Đông nối với Ấn Độ Dương.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước; là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới (đó là những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí được quy định trong Công ước, ký năm 1971 tại thành phố Ramsar - Iran, bao gồm: Vườn quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp; Vườn quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn quốc gia U Minh Thượng - Kiên Giang; và Làng Sen - Long An). Đồng thời, trong Vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thuỷ triều…
Đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, hào hùng và rất vẻ vang; là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khơ Me, Hoa, Chăm,... với những nét văn hoá hết sức đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo, như giao thông chủ yếu sử dụng ghe, thuyền; các điểm quần cư nông thôn gắn liền với hệ thống kênh rạch, sống chung với lũ và phương thức khai thác các sản vật mùa khô và mùa nước nổi… Người dân nơi đây kết tinh nhiều đức tính quý báu: Chịu thương, chịu khó; tự chủ, tự lực, tự cường; năng động, sáng tạo; kiên cường, bất khuất, vượt qua những cảnh ngộ, bất trắc của cuộc sống; luôn coi trọng nghĩa tình; sống bình dị, chân thực, chân tình, cởi mở, phóng khoáng, mang nặng tình yêu thương con người, với cảnh quan, cỏ cây, sông nước, đúng như lời trong bài thơ "Chín dòng sông hò hẹn" của một tác giả đã viết:
"Miền Tây ơi, ngập tràn bao khao khát
Dòng phù sa, dào dạt mãi đôi bờ
Khói lam chiều, bàng bạc những giấc mơ
Nghe ngọt lịm, ngẩn ngơ câu vọng cổ
Bỏ sau lưng những tháng ngày gian khổ
Đất quê hương lỗ chỗ vết bom thù
Bước hào hùng với cách mạng mùa thu
Xua bóng tối mịt mù trên quê mẹ
Quê tôi đó, tràn đầy sức trẻ
Quyết vươn lên, dáng vẻ đất chín rồng
Cho đẹp giầu, miền châu thổ Cửu Long
Cho ngọt mãi, hương nồng đêm hò hẹn
Miền Tây ơi, một tình yêu trọn vẹn
Tôi sẽ về, như đã hẹn cùng em".
Với những đặc điểm nêu trên, vùng đồng bằng sông Cửu Long thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn, và tiềm năng, lợi thế to lớn cho phát triển cần được khai thác có hiệu quả hơn, trên cơ sở xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về phát triển Vùng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của Vùng và cả nước trong thời kỳ mới.
Thứ ba, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tiếp tục phát huy những kết quả thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, và vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra: Nghị quyết và Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương đã trình bày rất đầy đủ, cụ thể những kết quả, thành tựu đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Tôi xin không nhắc lại, chỉ bổ sung, nhấn mạnh thêm rằng: Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI, các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, tầm quan trọng của Vùng; tư duy về phát triển vùng đã có nhiều đổi mới; tiềm năng, lợi thế của Vùng đã từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả. Toàn Vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của Vùng vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, hiện Vùng đang và sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và rủi ro từ việc hợp tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công. Đồng bằng sông Cửu Long - một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chậm, chưa thịnh vượng; vùng đất mà sau nhiều năm "ngủ yên", đã được "đánh thức" vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ mới "thức dậy" mà chưa vươn lên mạnh mẽ; người dân nơi đây phần lớn chỉ mới "đủ ăn" mà chưa khá giả; mặt bằng y tế, giáo dục chưa theo kịp cả nước; vùng đất màu mỡ, trù phú xưa kia đang bị khát và khô hạn do thiếu nước; độ phì nhiêu của đất bị suy giảm do thiếu phù sa bồi đắp; những con người sinh ra, lớn lên trên vùng sông nước miền Tây, giờ phải tiết kiệm, có lúc phải chia sẻ từng sô, từng thùng nước ngọt. Việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết lần này sẽ góp phần để đồng bằng sông Cửu Long "đứng dậy" làm chủ và "vươn lên" mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước.
2. Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này là gì?
Có 3 điểm đáng chú ý như sau:
Một là, về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo: Nếu như Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ nêu rất ngắn gọn (15 dòng) về phương hướng chung thì Nghị quyết lần này đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ. Để tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của Vùng và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, Nghị quyết lần này tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của Vùng; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong Vùng và cả nước. Phải đặt vấn đề phát triển Vùng trong tổng thể phát triển chung của cả nước, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế của Vùng; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hoá - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái tự nhiên. Tăng cường và đổi mới liên kết vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách điều phối phát triển vùng hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong Vùng, giữa Vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công.
Đồng thời, phải từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm; công nghiệp năng lượng là đột phá; dịch vụ là bệ đỡ. Phát triển nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, gắn với từng vùng sinh thái, thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, với công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển. Phát triển nhanh, hài hoà kinh tế các tiểu vùng, các khu vực kinh tế và loại hình doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể...
Hai là, về mục tiêu: Có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới. Nếu như Nghị quyết số 21-NQ/TW trước đây không đề cập thì Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu đến năm 2030: "Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hoá độc đáo, đa dạng của các dân tộc; bảo đảm quốc phòng và an ninh; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường". Đến năm 2045: "Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hoá, con người; nhân dân có mức sống cao; bản sắc văn hoá độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường".
Ba là, về nhiệm vụ và giải pháp: Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
3. Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về vùng đồng bằng sông Cửu Long?
Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, tôi xin đề nghị cần đặc biệt chú ý một số vấn đề sau:
Một là, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, toàn Vùng, từng địa phương trong Vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong Vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước: Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển Vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hợp tác với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công, nhất là trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công.
Hai là, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong Vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn, giàu có, trù phú hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Vùng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế Vùng để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế to lớn vốn có của vùng đất trù phú bậc nhất ở nước ta và trên thế giới.
Ba là, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng. Tôi đề nghị Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của Vùng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan toả, giải quyết các vấn đề phát triển Vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi cực Nam của Tổ quốc.
Bốn là, tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nghiêm túc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu về đạo đức và lối sống. Thực hiện nghiêm các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, trong sạch. Giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo. Tiếp tục cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức. Đổi mới công tác dân vận và hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân ta và các nước bạn.
Năm là, ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp uỷ và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong Vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh.
Ban cán sự đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong Vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong Vùng và tiểu vùng. Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng cần cụ thể hoá Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao.
Thưa các đồng chí,
Tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng: Cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nhất định sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào "đồng khởi", khí phách anh hùng "thành đồng" Tổ quốc và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người miền Tây; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng đồng bằng sông Cửu Long - Vùng đất 9 rồng theo tinh thần: Cả nước vì đồng bằng sông Cửu Long; đồng bằng sông Cửu Long vươn lên cùng cả nước và vì cả nước.
Một lần nữa tôi xin chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc, có nhiều niềm vui mới, niềm tin mới, khí thế mới, và thắng lợi mới.
Tôi xin trân trọng cảm ơn./.