26/06/2024 lúc 16:57 (GMT+7)
Breaking News

Kết nối hoạt động trải nghiệm tăng sức hấp dẫn cho Bảo tàng Thanh Hóa

Thanh Hóa, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa làm rạng danh quê hương, đất nước. Trải qua thời gian, lịch sử đã để lại cho vùng đất này những di sản văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc, tiêu biểu là các bộ sưu tập hàng nghìn cổ vật, hiện vật, những tác phẩm nghệ thuật quý giá bậc nhất cùng vô số bức điêu khắc sống động và các bộ sưu tập sắc phong đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Bảo tàng Thanh Hóa toạ lạc khuôn viên rộng lớn, nằm trên đường Trường Thi, Thành phố Thanh Hóa.

Với vai trò là thiết chế văn hóa quan trọng, cung cấp không gian trải nghiệm giáo dục toàn diện, bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã đổi mới phương thức hoạt động, đưa các sản phẩm văn hóa đến gần hơn với công chúng. Nhiều nội dung giáo dục, trải nghiệm gắn với trưng bày, tọa đàm, vừa thu hút khách tham quan, vừa khuyến khích tinh thần học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy độc lập.

Đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, vừa được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc, vừa được thỏa sức trải nghiệm thực tế qua những câu chuyện, những hình ảnh và hiện vật trực quan sinh động. Bảo tàng Thanh Hóa nơi lưu giữ nhiều hiện vật vô giá về con người và mảnh đất xứ Thanh

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày hơn 30 nghìn đơn vị hiện vật, được trưng bày theo trình tự lịch sử, từ khi xuất hiện cuộc sống sơ khai của con người trên đất Thanh Hóa cho đến ngày nay. Nét nổi bật nhất về hiện vật do Bảo tàng Thanh Hóa quản lý là những cổ vật, hiện vật các thời kỳ lịch sử với những sưu tập cổ sinh tìm được ở vùng miền núi Thanh Hóa và những di vật của thời Tiền sử ở núi Đọ, núi Nuông, Mái Đá Điều, hang Con Moong, Đa Bút... Đồng thời phản ánh quá trình hình thành, phát triển vùng đất Xứ Thanh. Tất cả các cổ vật, hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa là sự minh chứng cho các thời đại đã qua của vùng đất này. Với cách trưng bày rất hấp dẫn và thực sự thu hút, đã khiến khách thăm quan cảm nhận như được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của xứ Thanh.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn có các bộ sưu tập lớn như: Bộ sưu tập đồ gốm - sành - sứ phát hiện được trên địa bàn tỉnh (sưu tập Lý - Trần, sưu tập Lê - Trịnh, sưu tập men lam thời Nguyễn, sưu tập gốm - sành Mỹ Cương, sưu tập bình vôi qua các thời kỳ). Bộ sưu tập tiền cổ của Việt Nam và Trung Quốc (có độ tuổi từ 2.00 đến 2000 năm tuổi). Bộ sưu tập vũ khí qua các thời kỳ lịch sử, như sưu tập súng thần công. Bộ sưu tập về phong trào Cần Vương tại Thanh Hóa, gồm: các loại vũ khí của nghĩa quân, hiện vật các các thủ lĩnh, binh lính Cần Vương.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ ba bảo vật quốc gia, gồm Kiếm ngắn núi Nưa được tìm thấy ở chân núi Nưa, thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi Triệu Thị Trinh dựng cờ khởi nghĩa, nay còn di tích đền thờ bà, đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Các nhà khảo cổ khẳng định, dưới lòng đất này có một di tích văn hóa Đông Sơn, tương đương với thời vị nữ anh hùng dấy binh chống quân xâm lược Đông Ngô. Đây là bảo vật rất độc đáo, được đúc bằng đồng, có chiều dài 46,5cm, rộng 5cm, với cán dài tới 18cm, nặng 620gr. Kiếm ngắn núi Nưa có hai phần, lưỡi và cán. Lưỡi hình lá mía, mỏng, có hai rìa sắc nhọn, chắn tay hình sừng trâu…

Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa lưu giữ một số lượng khá lớn hiện vật về sự ra đời các tổ chức Đảng, các lực lượng vũ trang cách mạng ở Thanh Hóa, hiện vật về các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ, bảo quản những hiện vật của Bác Hồ tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Bên ngoài, Bảo tàng được bố trí một số hiện vật kích thước lớn như máy bay, máy cày, bia đá…

Trong xu thế hội nhập và mở cửa bằng giải pháp mới trong phương pháp trưng bày, Bảo tàng Thanh Hóa từng bước hiện đại hóa ngay trong hệ thống trưng bày chính và xây dựng những phần trưng bày mới: “Thiên nhiên Thanh Hóa”; “Thanh Hóa thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc từ thế kỷ I đến TK X”; “Thanh Hóa giai đoạn từ 1975 đến nay” cùng các phòng trưng bày chuyên đề “Mỹ thuật Thanh Hóa”; “Danh nhân Thanh Hóa”; “Nghề truyền thống xứ Thanh”; “Đặc trưng văn hóa dân tộc Việt, Dao, Mông, Khơ Mú, Thổ” góp phần làm sinh động thêm bức tranh lung linh sắc màu của sắc thái văn hoá xứ Thanh.

Học sinh tham quan, học tập và trải nghiệm tại Bảo tàng.

Đến trải nghiệm, tham quan Bảo tàng Thanh Hóa có các đối tượng khách tham quan chính của Bảo tàng là học sinh, sinh viên, vì vậy bảo tàng chú trọng xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp để khách tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm. Hoạt động trải nghiệm không chỉ giữ vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục, mà còn là hoạt động góp phần tạo nên thành công cho các cuộc trưng bày tại bảo tàng, đồng thời thu hút công chúng đến bảo tàng.

Xu hướng giáo dục ở các bảo tàng hiện nay ngày càng được chú trọng, mang đến nhiều trải nghiệm ý nghĩa cho công chúng tham quan. Việc phát triển, tổ chức các hoạt động giáo dục tại bảo tàng không chỉ góp phần đưa chương trình trải nghiệm di sản văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng, mà còn góp phần đưa bảo tàng thành điểm đến lý thú và bổ ích.

Bảo tàng Thanh Hóa đã trở thành một địa chỉ tham quan nghiên cứu văn hóa - khoa học lớn của tỉnh. Hàng chục triệu lượt người khắp mọi miền đất nước và khách quốc tế đến từ mọi châu lục như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan… đã đến tham quan và nghiên cứu. Bảo tàng cũng được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm và đã ghi lại những tình cảm tốt đẹp đối với đất và người xứ Thanh trong sổ vàng lưu niệm. Với những sự đổi mới trong phương thức hoạt động, Bảo tàng Thanh Hóa ngày càng khẳng định vị trí của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh, trở thành không gian lý tưởng cho việc học tập, vui chơi, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; là điểm đến thăm quan, nghiên cứu hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công chúng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc./.

Ngọc Thể - Đỗ Thanh