Năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dịch bệnh Bạch hầu, biến đổi khí hậu… Thế nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của tầng lớp nhân dân, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội.
Là một huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông, toàn huyện có 7/7 đơn vị hành chính cấp xã là xã đặc biệt khó khăn với 61 thôn, bon. Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Glong đã và đang nỗ lực từng ngày, từng giờ trong việc phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương. Trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh, biến đổi khí hậu… thế nhưng đã có 15/18 nhóm chỉ tiêu trong việc phát triển kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra, chiếm 83,4%. Đây là tiền đề và cũng là động lực để Đắk Glong tiếp tục vươn lên.
Trụ sở UBND huyện Đắk Glong.
Theo đó, cơ cấu tổng giá trị sản xuất theo ngành kinh tế: Nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 69,47%; công nghiệp – xây dựng chiếm 14,19%; thương mại – dịch vụ chiếm 16,34%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 31,5 triệu đồng, đạt 105% kê hoạch. Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội ước được 1.922 tỷ đồng, đạt 100,1%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 207,361 tỷ đồng, đạt 93,53%, trong đó phần thu của huyện đạt 100,1% kế hoạch, chi ngân sách địa phương ước đạt 570,7 tỷ đồng, đạt 119,7% kế hoạch. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp đồng bộ, đưa điện và nước sạch về vùng khó khăn, tỷ lệ thôn, bon có điện lưới quốc gia ước đạt 96,72%, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 13,8% đạt chỉ tiêu tỉnh giao và vượt kế hoạch của huyện, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là người ĐB DTTS giảm 6%. Chương trình nông thôn mới được tích cực triển khai thực hiện, số tiêu chí ước đạt 87 tiêu chí, đạt 106,7%. Y tế, văn hoá, giáo dục được cải thiện…
Tổng diện tích gieo trồng đạt 29,466 ha, đạt 100,8% kế hoạch, diện tích các loại cây công nghiệp, cây ăn trái ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lên đến hơn 1.650 ha. Bên cạnh đó, việc triển khai và vận động người dân tham gia các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại kết quả cao trong sản lượng, chất lượng và giá cả, góp phần cải thiện kinh tế cho người dân. Có đến 270 hộ nông dân tham gia sản xuất cà phê đạt chuẩn chất lượng 4C, UZT, Fair trade với 878 ha. Thường xuyên tổ chức thực hiện các công tác khuyến nông – bảo vệ thực vật – Thú y trên địa bàn huyện, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm, phát sinh và lây lan các loại bệnh dịch ở vật nuôi. Tổng đàn trên 208.239 con, đạt 113,1% kế hoạch. Trong năm 2020, chú trọng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng để ngăn chặn, phát hiện và lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm lâm luật, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra các điểm nóng về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Qua đó, phát hiện và tiếp nhận hồ sơ xử lý 281 vụ vi phạm lâm luật…
Nhiều năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của nhân dân, huyện Đắk Glong đa từng bước phát triển...
Công tác xây dựng nông thôn mới được tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân trên địa bàn huyện, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, tăng cường hỗ trợ các xã trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tổng số tiêu chí dự kiến đạt trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến hết năm 2020 là 87 tiêu chí.
Lĩnh vực sản xuất Công nghiệp – Thương mại – Dịch vụ, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 156,56 tỷ đồng, giảm 4,9% so với năm 2019… Giáo dục, Y tế được đặc biệt quan tâm chú trọng, thường xuyên thanh, kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ các đơn vị trường học trực thuộc, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện…
Ông Vũ Tá Long - Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Tá Long – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực sự năm 2020 là 1 năm đầy khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự chỉ đạo sâu sát của Huyện uỷ, nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của nhân dân, tình hình kinh tế của huyện được duy trì cơ bản ổn định. Trong năm 2021, là năm đầu tiên triển khai các nghị quyết, kế hoạch mới của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII… vì thế để phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua những khó khăn thách thức, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo, các cấp, các ngành và nhân dân huyện cần phấn đấu với quyết tâm cao nhất, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm đưa Đắk Glong phát triển toàn diện.
Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ (2020-2025), vì vậy, huyện Đắk Glong đề ra các mục tiêu và đưa ra nhiều giải pháp quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra. Theo đó, phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 208,200 tỷ đồng; tổng giá trị sản xuất 2.980 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-5%...
Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đắk Glong khoá IV ra mắt nhận nhiệm vụ. (ảnh Đài PTTH huyện Đắk Glong)
Để đạt được những mục tiêu đó, huyện Đắk Glong tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hơn nữa tạo nên sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, triển khai mạnh mẽ các chính sách của Trung ương trên địa bàn huyện. Tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt các mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã…
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo lộ trình; tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn hỗ trợ. Tập trung tổ chức thực hiện Nghị quyết của Huyện uỷ về xây dựng Nông thôn mới hàng năm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, khoáng sản, quy hoạch và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng. Đa dạng hoá các loại hình sản xuất công nghiệp, phục vụ cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn, chế biến nông lâm thuỷ sản…