18/01/2025 lúc 17:12 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) nỗ lực giảm nghèo bền vững

Ba Tơ là huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, cửa ngõ nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung với Tây Nguyên bằng con đường huyết mạch từ Đông sang Tây (Quốc lộ 24), dân số chủ yếu là người dân tộc Hre (chiếm tỉ lệ hơn 83% dân số toàn huyện). Đây là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước được hưởng Chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách ở huyện Ba Tơ.

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Ba Tơ đã đề ra nhiều giải pháp, cách làm, phù hợp với địa phương. Trong năm qua huyện luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và được các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế, tạo việc làm tăng thêm nguồn thu nhập.

Đơn cử như trường hợp gia đình anh Phạm Văn Trường (xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ). Trước đây, anh có chăn nuôi dê, nhưng chỉ nuôi 5 con để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong vườn rừng của gia đình. Từ năm 2020, được chính quyền địa phương hỗ trợ về con giống và đầu ra cho sản phẩm, gia đình anh Trường đã mở rộng mô hình nuôi dê, đến nay đàn dê đã phát triển được 24 con. Nhờ xuất bán dê thịt và dê con, gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định.

Gia đình chị Phạm Thị Sa  (thôn Mô Lang, xã Ba Vinh), được Tổ TK&VV bình xét và Ngân hàng CSXH cho vay 40 triệu đồng, chị đầu tư trồng keo và kết hợp với chăn nuôi heo, vịt, gà, trâu đến nay gia đình đã thoát nghèo, gia đình đã mua được 01 xe tải để chở keo, tăng thu nhập cho gia đình.

Mô hình sinh kế của gia đình anh Phạm Văn Hoa và chị Phạm Thị Hương (xã Ba Cung)

Gia đình anh Phạm Văn Hoa và chị Phạm Thị Hương (thôn Gò Rét-Ma Nghít, xã Ba Cung), nhờ có thêm nguồn vốn vay đã xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp gồm chăn nuôi dê, heo, gà, ngan, áp dụng KH-KT vào chăn nuôi; đồng thời mua 1 chiếc xe tải để chở keo để làm kinh tế gia đình. Nay gia đình đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Với việc chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cho người dân để nâng cao năng suất và giá trị vật nuôi, cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tỉ lệ hộ nghèo trong huyện giảm nhanh qua từng năm. Đến tháng 3 năm 2022, Ba Tơ đã chính thức ra khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 – 2025 (Tháng 3 năm 2022, huyện Ba Tơ đã thoát huyện nghèo khó khăn giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025).

Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: Đến cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo mới thì số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Ba Tơ là 48,4% (hộ nghèo: 34,63%, hộ cận nghèo: 13,77%). Cuối năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, huyện Ba Tơ giảm được 840 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 5.155 hộ, chiếm 29,55%  (giảm 5,13% trong năm 2022), so với kế hoạch tỉnh giao (Quyết định 1274/QĐ-UBND ngày 24/12/2021) đạt vượt 132,49%). Một khoảng thời gian không dài nhưng sự tiến bộ và phát triển về kinh tế xã hội và sự thay đổi cuộc sống của nhân dân hết sức rõ nét. Những kết quả bước đầu đạt được trong chính sách hỗ trợ giảm nghèo là tiền đề quan trọng để huyện Ba Tơ hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống cho người dân miền núi./.

PV