24/12/2024 lúc 08:35 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Bá Thước: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá

Với quyết tâm tạo sự bứt phá, những năm qua cùng với việc triển khai nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, huyện Bá Thước đã và đang tập trung lãnh đạo thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá để tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đi vào cuộc sống.
Huyện Bá Thước quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm, phát triển kinh tế - xã hội.

Để đưa Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống, huyện Bá Thước đã và đang tập trung làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia cùng các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện thực hiện có hiệu quả các chương trình, các chính sách dân tộc đang được triển khai thực hiện trên địa bàn.

Theo số liệu công bố của Cục Thống kê Thanh Hóa, tổng giá trị sản xuất năm 2023 huyện Bá Thước (theo giá 2010) ước đạt 3.641 tỷ đồng; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 3,85%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 30,94 triệu đồng, tăng 6,98 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản. Huy động vốn đầu tư cho phát triển toàn xã hội của huyện luôn vượt kế hoạch của tỉnh giao và huyện đề ra; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước được 5.000 tỷ đồng bằng 76,9% so với so với mục tiêu Đại hội đề ra. Công tác quy hoạch được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, kịp thời, đã hoàn thành lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đến Bá Thước đến năm 2045, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bá Thước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới.

Các chương trình MTQG được triển khai thực hiện kịp thời, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, đến nay, toàn huyện đã có 03 xã (15%), 82 thôn (44,8%) đạt chuẩn nông thôn mới; 03 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (1,64%). Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn huyện; tổng kinh phí thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện 220.367 triệu đồng, để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng các mô hình giảm nghèo... Nguồn vốn Chương trình cùng với các chương trình, dự án, chính sách khác của Nhà nước kết hợp nguồn lực của địa phương đã góp phần vào việc tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, qua đó đã làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện, tỷ lệ hộ nghèo giảm (theo tiêu chí mới) từ 29,45% năm 2021 xuống 23,99% năm 2022. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng kinh phí thực hiện trên địa bàn 93.421 tỷ đồng, để đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát, hỗ trợ phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bình đẳng giới... Các dự án, tiểu dự án của Chương trình đang được triển khai hiệu quả, qua đó góp phần thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm hằng năm là 5,59%.

Để đẩy nhanh tổ chức thực hiện đồng bộ đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi danh sách huyện nghèo, trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện tập trung triển khai có hiệu quả 02 chương trình trọng tâm và 03 khâu đột phá, gồm: "Chương trình Phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch". Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định, BCH Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 01/7/2021; đồng thời, chỉ đạo UBND huyện xây dựng và ban hành nhiều đề án, kế hoạch trình HĐND huyện về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì thế, trên địa bàn huyện bắt đầu đã hình thành mô hình sản xuất tập trung chuyên canh (sắn, gai, mía); các trang trại cây ăn quả tập trung (cam, bưởi..). Tập trung chăn nuôi theo hướng gia trại với các con nuôi có lợi thế (vịt cổ lũng, gà đồi, lợn cỏ, cá dốc,…) mang lại thu nhập ổn định, từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, liên kết với doanh nghiệp.

"Chương trình trọng tâm Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới". BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 10/11/2021 để triển khai thực hiện đồng bộ tất cả các khâu trong công tác cán bộ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch các chức danh chủ chốt của huyện, đã cử 8 cán bộ nguồn đi đào tạo trình độ cao cấp lý luận, mở 02 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 138 học viên là cán bộ cấp cơ sở. Công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử theo đúng quy trình, khách quan, nửa nhiệm kỳ đã điều động, luân chuyển 21 cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, tổ chức đảng hằng năm được thực hiện theo đúng hướng dẫn của tỉnh. Thực hiện Đề án tinh giản biên chế, nhằm đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, giai đoạn 2021-2023 đã thực hiện tinh giản biên chế được 97 người.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 03 khâu đột phá đó là: “Khâu đột phá "Phát triển các sản phẩm có lợi thế để phục vụ du lịch và thị trường". Để khâu đột phá có hiệu quả, huyện đã xác định các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của huyện để tập trung chỉ đạo, như các cây ăn quả có múi (cam, bưởi, quýt hoi…), giai đoạn 2021-2025 diện tích trồng mới cây ăn quả là 187,7ha; 1,32ha nhà màng, nhà lưới trồng rau, quả an toàn cho thu nhập cao. Tiếp tục phát triển đàn Vịt Cổ Lũng, lợn cỏ, lợn cỏ lai lợn rừng, gà ri, cá dốc… phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện. Toàn huyện có 05 sản phẩm OCOP được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao; xây dựng được 01 dự án phát triển sản xuất sản phẩm có lợi thế của huyện “Dự án trồng lúa nếp đặc sản thương phẩm tại các xã khu vực Quốc Thành huyện Bá Thước” với quy mô diện tích 31,0 ha và 615 hộ dân tham gia; có 02 làng nghề truyền thống được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận để phục vụ du lịch.

“Khâu đột phá về "cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh". Đó là: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao được xem là khâu đột phá quan trọng được cấp ủy, chính quyền huyện Bá Thước triển khai thực hiện quyết liệt. Cùng với đó, huyện chỉ đạo tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân đã mang lại kết quả khả quan, năm 2022 chỉ số DDCI của huyện xếp hạng thứ 23, tăng 4 bậc so với năm 2021. Mặt khác, thực hiện tốt cam kết với nhà đầu tư về tiến độ giải phóng mặt bằng. Đến nay, ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, huyện cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, cam kết đầu tư vào lĩnh vực du lịch và nông nghiệp. Hiện tại, đã có 17 dự án đầu tư trực tiếp do tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.160,6 tỷ đồng, trong đó dự án chuyển tiếp là 03 dự án với tổng mức đầu tư là 114,8 tỷ động, dự án đầu tư mới 14 dự án với tổng mức đầu tư là 1.045,7 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ du lịch 05 dự án; lĩnh vực dịch vụ thương mại 5 dự án; Dự án về phát triển chăn nuôi công nghệ cao 6 dự án và 1 cụm công nghiệp Điền Trung.

Bá Thước tập trung đầu tư phát triển du lịch, khai thác tiềm năng vốn có để nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bá Thước cho biết: “Xác định công tác thu hút đầu tư là một khâu đột phá có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cùng với những thuận lợi sẵn có, cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận bình đẳng để đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo đúng định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đặc biệt, Huyện cũng đã kịp thời triển khai thực hiện các chính sách của trung ương, của tỉnh Thanh Hoá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ. UBND huyện thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin với các chủ doanh nghiệp, phối hợp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hình thành dự án cũng như trong sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực địa phương có thế mạnh như sản xuất hàng tre luồng, mía đường, sắn, ngô, cây dược liệu; khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch cộng đồng”…

“Khâu đột phá "Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ". Đó là: Tăng cường vận động, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu. Tổng số dự án đầu tư xây dựng từ 2021 đến nay là 174 dự án với tổng mức đầu tư trên 631 tỷ đồng; nhiều công trình hạ tầng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã được đầu tư hoặc đang triển khai thực hiện như: Đường tránh tỉnh lộ 512B đoạn qua chợ phố Đoàn, xã Lũng Niêm; cầu trung tâm đô thị thị trấn Cành Nàng. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch; hoàn thành việc xóa thôn, bản không có lưới điện trên địa bàn huyện, phủ sóng điện thoại di động trên địa bàn dân cư đạt 98%.

Nửa nhiệm kỳ vừa qua, vượt qua những khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực, diện mạo của huyện đang được đổi thay. Phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, nhất định huyện sẽ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đề ra; tạo đà, tạo thế để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo, đưa huyện Bá Thước trở thành huyện khá của khu vực miền núi tỉnh Thanh Hoá ./.

Hải Nam - Hoàng Trang