19/01/2025 lúc 12:07 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện hệ thống chính sách để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế - xã hội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua sự phát triển của vùng đất trù phú này chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành vùng phát triển hiện đại, nhanh và bền vững, một trong những điều quan trọng là phải từng bước hoàn thiện, đồng bộ hệ thống chính sách hướng đến mục tiêu phát triển chung của vùng.

Ảnh minh họa - TL

Một vùng đất giàu tiềm năng phát triển

Vùng ĐBSCL hiện có 13 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 39.734 km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước và dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Đây là vùng kinh tế - xã hội đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây; quy mô kinh tế của vùng cũng ngày càng mở rộng.

Tuy nhiên, cùng với đồng bằng châu thổ sông Hằng (Ấn Độ - Băng-la-đét) và sông Nin (Ai Cập), ĐBSCL là một trong ba vùng châu thổ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biết đổi khí hậu. Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, làm cho khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng. Theo kịch bản đã công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng 100cm thì nguy cơ vùng ĐBSCL bị ngập lên đến 47,29%, khoảng 570.000ha lúa sẽ bị ngập và các khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu nhiều nhất là tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Điều đó đặt ra những thách thức rất lớn đối với ĐBSCL trong tương lai phát triển của vùng.

Thực trạng và khó khăn, vướng mắc

Hiện nay, mặc dù là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước nhưng việc liên kết sản xuất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang gặp nhiều tồn tại cần khắc phục. Nguyên nhân là do sản lượng lúa thu hoạch tập trung, nông dân bán lúa tươi nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong chuẩn bị phương tiện vận chuyển. Cùng với đó, một số doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa không đủ các thiết bị phơi sấy, kho chứa nên lúa thu hoạch thường phải tập kết đầu bờ khoảng 4 đến 5 ngày mới thu gom hết. Do vậy, một số diện tích lúa quá ngày thu hoạch từ 7 đến 10 ngày mới cho cắt nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Tỷ trọng đóng góp GDP của vùng ĐBSCL mặc dù đứng thứ ba cả nước sau vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng, nhưng có xu hướng ngày càng giảm. Thu nhập người dân vùng ĐBSCL ngày càng thấp so với mặt bằng chung cả nước. Vùng ĐBSCL hiện vẫn được xem là “vùng trũng giáo dục” của Việt Nam. Mặt bằng học vấn và tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của vùng, ĐBSCL thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; chất lượng giáo dục, y tế vẫn còn thấp so với yêu cầu... Mặt khác, vùng ĐBSCL ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, như ngập mặn, sạt lở, nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Từ một vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, vùng ĐBSCL đang dần đứng trước những thách thức mang tính thời đại - tác động từ biến đổi khí hậu và những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế này đòi hỏi cần có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Quán triệt Chủ trương chung

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm hoạch định, ban hành hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước những thách thức của bối cảnh, điều kiện phát triển mới. Nổi bật là Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Theo đó, Chính phủ  tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo 4 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; hạ tầng và kỹ thuật môi trường; nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải (logistics) liên quan.

Trên cơ sở định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chú trọng đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư vào các địa phương trong vùng trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% so với cả nước. Một số ngành, lĩnh vực được quan tâm, chú trọng đầu tư, như giao thông, nông nghiệp... Đơn cử, giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của vùng khoảng 86 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14% cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, vốn bố trí đầu tư phát triển đường cao tốc khoảng 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% cả nước. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình trong vùng đạt khoảng 89,6%, tăng 1,5% so với năm 2017, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình đạt 22,5%, cao hơn 4% so với mực trung bình cả nước. Liên kết nội vùng và vùng ĐBSCL với các địa phương khác cũng được cải thiện.

Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục mở ra diện mạo vùng kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai, với phương châm phát triển hài hòa, thuận thiên, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành “vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người; nhân dân có mức sống cao; bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường”.

Giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách để phát triển bền vững

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL, Chính phủ cũng như các tỉnh, thành phố của vùng cần hoàn thiện và đồng bộ trong tổ chức thực thi hiệu quả hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Cụ thể:

1. Trong hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL, ngoài việc quan tâm xác định tầm nhìn dài hạn, mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cần quan tâm đồng bộ ba nhóm chính sách: 1- Nhóm chính sách hướng đến mục tiêu giữ “người”; 2- Nhóm chính sách hướng tới mục tiêu giữ “đất”, giữ “nước”; 3- Nhóm chính sách nhằm bảo vệ môi trường. Các nhóm chính sách này cần được tích hợp để nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách cụ thể. Trong đó, nhóm chính sách giữ “người” cần được xác định là nhóm chính sách trọng tâm, hướng tới xây dựng những lớp người sinh ra và lớn lên từ vùng đất này, được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ để chung sống ổn định, phát triển với quê hương.

2. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học để dự báo và xây dựng các kịch bản khả thi cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu toàn diện, dự báo chính xác các vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong những thập niên tiếp theo. Hoàn thiện các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học hướng đến hóa giải thách thức và giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội; trong bảo vệ các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất và nước của vùng; trong thích ứng với những tác động tiêu cực ngày càng đa dạng và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Hoàn thiện các chính sách thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng. Đặc biệt ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, lai tạo các vật nuôi, cây trồng thích ứng với điều kiện của vùng ĐBSCL trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

3. Trong lĩnh vực giáo dục: Cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung một số giải pháp cơ bản: (1) Nghiên cứu, quy hoạch nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển và định hướng phát triển vùng ĐBSCL; (2) Quy hoạch, tổ chức lại hệ thống giáo dục của vùng phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên phát triển giáo dục phổ thông (bảo đảm phổ cập giáo dục), tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học hướng đến xây dựng đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu phát triển vùng theo định hướng phát triển (tránh lãng phí nguồn lực trong đào tạo, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong nguồn nhân lực của vùng); (3) Gắn kết Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong dự báo, phát triển chương trình đào tạo và đào tạo nguồn nhân lực cho vùng; (4) Thí điểm thực hiện và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi giáo dục cho người học trong vùng; (5) Xây dựng và thực hiện chính sách đột phá, ưu tiên trong xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, giáo viên nghề nghiệp, giảng viên đại học là người địa phương để làm động lực phát triển giáo dục của vùng; (6) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, các giải pháp thông minh trong tổ chức các hoạt động giáo dục; (7) Phát huy vai trò của nhà trường và đội ngũ nhà giáo trong phát triển giáo dục...

4. Xác định mô hình phát triển bền vững kinh tế và phát huy hiệu quả các nguồn lực, thế mạnh để phát triển. Mô hình phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL trong thời gian tới cần nhất quán hướng đến tạo lập một khối thống nhất toàn vùng phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững, gắn kết với thị trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

5.Tạo lập cơ chế điều phối, liên kết vùng hiệu quả, trên cơ sở Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ thành lập; nhằm hướng tới phát huy vai trò điều phối trong phạm vi toàn vùng ĐBSCL, qua đó xác định cụ thể vai trò, nhiệm vụ của từng địa phương trong mô hình phát triển kinh tế bền vững của vùng ĐBSCL; giảm thiểu tác động tiêu cực giữa các địa phương trong quá trình phát triển.

Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; sẽ được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (không bao gồm tỉnh Bến Tre) với diện tích 1 triệu ha. Đề án sẽ triển khai theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2024 – 2025, giai đoạn 2 từ 2026 -2030. Trong đó: Giai đoạn 1 tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 ha. Bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo -thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030. Giai đoạn 2, xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 ha. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV. Đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024 - 2025./.

Ths. Trần Mạnh Quang

...