26/06/2024 lúc 18:15 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư nước ngoài trong điều kiện mới

Đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công, trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, để tận dụng tốt hơn các mối quan hệ, sẵn sàng đón dòng vốn FDI, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa - Internet

Thời gian qua, Việt Nam tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi nói chung và ưu đãi về tài chính nói riêng để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thu hút, quản lý FDI tại Việt Nam; tiêu biểu như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp, cùng với các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào Việt Nam... Đặc biệt, Luật Đầu tư (sửa đổi năm 2020) đã có nhiều quy định mới về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tận dụng nguồn lực từ trong nước cũng như thúc đẩy việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam; đã bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay.

Thành quả và hạn chế trong hành trình

Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thu hút vốn FDI luôn bám sát và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), CNH và HĐH đất nước trong từng thời kỳ và có quan hệ chặt chẽ với việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật chung về kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Trong quá trình đó, các chính sách ưu đãi Đầu tư FDI chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Tạo và hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài được thuận lợi hơn. Chẳng hạn các chính sách liên quan đến DN FDI đều tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài; hoặc  vấn đề bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật…; Chính sách ưu đãi về thuế đối với DN; Chính sách ưu đãi sử dụng đất đai, mặt bằng…

Nhờ vậy, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài rất đáng khích lệ: Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến ngày 20/04/2024, cả nước có 40.049 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 478,58 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 303,46 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Riêng tháng 4/2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư mới và giá trị các giao dịch GVMCP cao hơn các tháng đầu năm 2024, số dự án đầu tư mới cũng đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Mức tăng tổng vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2024 đạt 4,5%.... 

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với DN FDI thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại; cụ thể như: Việc dành nhiều ưu đãi về thuế và sử dụng đất đai cho các doanh nghiệp FDI dẫn đến việc phân bổ nguồn lực đầu tư chưa hiệu quả, chưa thu hút được vốn đầu tư vào các địa bàn khó khăn; công tác quản lý thuế đối với DN FDI còn hạn chế, vấn đề chuyển giá ngày càng khó kiểm soát. Vấn đề chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước chưa được như mong muốn; chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm chưa cao. Mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp… Mặt khác, quá trình thực thi Luật Đầu tư 2020 cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về đầu tư. Chẳng hạn như: Luật Đầu tư và Luật Đất đai chưa có quy định thống nhất trong việc quyết định chủ trương thực hiện dự án (đối với dự án ngoài ngân sách) với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; Vướng mắc về thủ tục đầu tư liên quan tại khoản 4 điều 29 Luật Đầu tư quy định và điều 62 (Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) và điều 63 (Căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) của Luật Đất đai 2013, Luật Đấu thầu…

Để khắc phục những vấn đề trên, tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã cho thành lập Tổ công tác chuyên giải quyết các khúc mắc trong thực hiện Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Điều này cho thấy, sự linh hoạt, nhanh nhạy khi xử lý các tình huống phát sinh và quyết tâm hoàn thiện hệ thống pháp lý để thu hút vốn FDI của Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến thu hút FDI

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật minh bạch, đơn giản, tránh chồng chéo giữa các văn bản luật gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài; cụ thể:

Thứ nhất, cần sớm khắc phục các vấn đề xung đột, chồng chéo trong các văn bản luật như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu; Luật Nhà ở...

Thứ hai, rà soát và kịp thời tháo gỡ những rào cản về thủ tục hành chính, quy định về phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan; các quy định về chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế… để môi trường đầu tư kinh doanh thực sự trở nên thông thoáng hơn hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Thứ ba, sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để giải tỏa nỗi lo lắng khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư và hiệu quả của dự án của cộng đồng doanh nghiệp FDI.

Thứ tư, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để đảm bảo tính đồng bộ giữa pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư và các chính sách khác của Nhà nước…

Thứ năm, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, thông suốt về DN FDI để các cơ quan trung ương, địa phương tổng hợp, đánh giá, giám sát hiệu quả, kịp thời; công khai, minh bạch thông tin về hoạt động và tình hình tài chính của các DN FDI, sớm phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ gây bất ổn kinh tế - xã hội...

Thứ sáu, xây dựng quan hệ đối tác thực sự (PPD) và sự tin tưởng giữa Nhà nước và các lãnh đạo doanh nghiệp (cả doanh nghiệp sở hữu trong nước và nước ngoài) để cải thiện chất lượng, tăng cường sự ổn định và đồng bộ trong quy định luật pháp và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư.

Thứ bảy, đối với các bộ, ngành, địa phương, cần phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai dự án; chủ động tiếp cận, nắm bắt để tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp, NĐT để tiết giảm thời gian, chi phí, nhanh chóng đưa các dự án đi vào triển khai./.

ThS. Trịnh Xuân Đường

...