19/04/2024 lúc 15:38 (GMT+7)
Breaking News

Hiệu quả từ Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Tính đến tháng 11/2022, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao) của 38 chủ thể trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố. Các sản phẩm OCOP chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm lưu niệm và trang trí. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin dùng.
Hiệu quả từ Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn (thứ 2 từ trái qua) thăm quan các sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Để đạt được kết quả đáng kể đó, trong giai đoạn 2018 - 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến kích các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ dân tích cực tham gia Chương trình OCOP nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 3 Kết luận, UBND tỉnh phê duyệt các Đề án, Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và 2022 - 2025. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND về quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách đặc thù cho quá trình quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển kinh tế trang trại; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... tạo tiền đề cho sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng và số lượng sản phẩm.

Hiệu quả từ Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh đạt 3 sao và 4 sao

Chương trình OCOP đã bước đầu khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm; từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia Chương trình. Sản phẩm OCOP đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.

Nem 99 Kinh Bắc của Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phẩm Nem 99 Kinh Bắc được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, đến nay, công ty đã phát triển lên 35 đại lý, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… Anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty cho biết: Sau hơn 2 năm được công nhận sản phẩm OCOP, thương hiệu Nem 99 Kinh Bắc ngày càng khẳng định chất lượng và uy tín, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng đặt hàng, sử dụng. Đây cũng là động lực để công ty tiếp tục sản xuất những sản phẩm chất lượng nhất tới tay người tiêu dùng. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục xây dựng, đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp Trung ương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, để kịp thời tham mưu cho tỉnh tiếp tục có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, vừa qua, Đoàn công tác Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đã đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hòa Bình. Đây là những địa phương đã phát huy hiệu quả các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, gắn với Chương trình OCOP, phát huy giá trị văn hóa, du lịch cộng đồng của mỗi vùng miền, địa phương, doanh nghiệp, HTX, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Hiệu quả từ Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Đoàn công tác Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh thăm quan sản phẩm OCOP Cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình

Theo ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để tạo sức lan tỏa của Chương trình OCOP, thời gian tới, Ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân hiểu về lợi ích của việc tham gia Chương trình OCOP, nhất là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh đối với các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, ngành sẽ tích cực tham mưu tỉnh có những chính sách đặc thù đối với các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của từng địa phương, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tin rằng, với sự chung tay của toàn tỉnh, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng sẽ ngày càng hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Ngọc Anh