19/04/2024 lúc 18:44 (GMT+7)
Breaking News

Hiệp định UKVFTA: “Đường băng” cho thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh “cất cánh”

Mặc dù trải qua năm 2021 đầy khó khăn trong việc phòng chống đại dịch Covid-19 và đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thế nhưng, nhờ tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.
Hội nghị "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới"

 

Những con số biết nói

Chiều ngày 15/3, Bộ Công thương đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức Hội nghị "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới" với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, ông Graham Stuart, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward cùng với đại diện các Bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của cả 2 nước.

Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực. Nhờ có hiệp định này mà kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh đã đạt được kết quả khả quan. 

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,24%, trong đó Việt Nam xuất khẩu 5765 triệu USD (tăng 16%). Nhiều ngành có mức tăng trưởng kim ngạch 2 chiều rất mạnh, có thể đến các mặt hàng sắt thép (tăng 1245%), rau quả (tăng 66,89%), mây, tre, cói và thảm (tăng 56,51%), hạt tiêu (tăng 49,07%), cao su (tăng 43,94%)...

Ngoài ra, về đầu tư, có 48 dự án mới của UK vào Việt Nam trong năm 2021 (tăng 6 dự án so với năm 2020). Tính đến tháng 3 năm 2022, có 452 dự án FDI của UK tại Việt Nam, tổng vốn FDI đăng ký của UK tại Việt Nam lên tới 4 tỷ USD, chiếm 1% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam...

Đánh giá về những con số ấn tượng này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, kết quả đạt được nêu trên có vai trò đòn bẩy vững chắc của UKVFTA.

“Đóng góp to lớn nhất của Hiệp định này là nhất giúp quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Ngay năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, đã tận dụng được ưu đãi thuế quan sang thị trường này. Nhiều mặt hàng của Việt Nam tăng trưởng tốt như hạt tiêu, rau quả… đã có kim ngạch xuất khẩu tăng tốt. Cùng với đó, trong hiệp định cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, nhập khẩu miễn thuế một số hàng hóa bổ sung vào Vương quốc Anh, nhiều sản phẩm được bảo hộ tại quốc gia này, tạo tiền đề cho các sản phẩm này thâm nhập sâu vào thị trường Anh”, Thứ trưởng Khánh nói.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đánh giá, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam từng có giai đoạn rất khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhờ có các biện pháp của Chính phủ, lại được cộng hưởng từ Hiệp định UKVFTA nên đã đạt được nhiều kỳ tích.

Còn rất nhiều cơ hội cho Việt Nam

Bàn về định hướng tương lai trong việc tiếp tục triển khai Hiệp định UKVFTA, theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, thực tế cho thấy các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Anh đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là nông sản. Cụ thể, nhiều mặt hàng phở ăn liền, bánh bao, rau quả... được lên kệ tại các siêu thị trung và cao cấp của Anh – một thị trường nổi tiếng khó tính và yêu cầu cao.

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga-Ukraine, nhìn rộng ra, chúng ta thấy cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Bởi dự báo trong thời gian tới, thế giới sẽ khan hiếm các sản phẩm nông nghiệp, trong khi đó, đây lại là thế mạnh của Việt Nam. Bà Ngọc nhận định.

Bên cạnh đó, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, ngoài những ngành là thế mạnh truyền thống của Việt Nam như rau quả, dệt may, thì còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng cho Việt Nam trong tương lai. Có thể kể đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giảm khí thải cacbon, buôn bán động cơ máy bay, dược phẩm...

Đồng tình với nhận định này, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam đánh giá: Ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu tới 2 nước, vẫn có rất nhiều hợp đồng được ký kết. Các doanh nghiệp Anh cũng đánh giá rất cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam ở các lĩnh vực tài chính, giáo dục, năng lượng, công nghệ cao, dược phẩm và y tế.

“Đây chính là những điểm sáng hợp tác giữa hai nước và trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ”, vị này nói.

Trong khi đó, Nghị sĩ Graham Stuart, đặc phái viên thương mại của Thủ tướng UK phụ trách Lào, Việt Nam và Campuchia còn nhấn mạnh: Ngoài các lĩnh vực nêu trên, mảng điện gió ngoài khơi đang được kỳ vọng là cầu nối hợp tác giữa hai nước.

“Vương quốc Anh có thế mạnh và kinh nghiệm về năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam để thúc đẩy thương mại giữa hai nước”, vị này nói thêm.

Vân Anh