19/04/2024 lúc 18:41 (GMT+7)
Breaking News

Hiện thực hóa mô hình “kho bạc không có tiền mặt”

Trên cơ sở hiện đại hóa các hình thức thanh toán, Kho bạc Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt, tiến tới hình thành “kho bạc không có tiền mặt”.
Ảnh minh họa

Dừng chi tiền mặt vào năm 2025

Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống đến năm 2025. Với định hướng ứng dụng công nghệ thông tin, lấy khách hàng làm trọng tâm, KBNN đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN.

Cụ thể là hình thành thói quen của các đơn vị sử dụng ngân sách, người nộp ngân sách, các tổ chức và cá nhân có giao dịch với KBNN ở khu vực đô thị trong việc thanh toán bằng các hình thức không dùng tiền mặt; từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, giảm dần tỷ lệ thu, chi bằng tiền mặt và tiến tới hình thành kho bạc không có tiền mặt trên cơ sở hiện đại hóa các hình thức thanh toán...; phấn đấu đến năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại kho bạc.

Để đạt mục tiêu này, KBNN sẽ triển khai các giải pháp trên tất cả lĩnh vực, từ khuôn khổ pháp lý, công nghệ, quy trình nghiệp vụ, an toàn, bảo mật, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho công chức và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Trong đó, KBNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông…

Cùng với đó, KBNN sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước tại các ngân hàng thương mại; phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các ngân hàng triển khai thu ngân sách theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan; đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại như thu qua QR-Code, mobile-money, ví điện tử, mobilebanking...

Định kỳ hàng năm, KBNN phối hợp với ngành ngân hàng khảo sát tình hình cung ứng dịch vụ chi thanh toán cá nhân qua tài khoản, đặc biệt là địa điểm đặt máy ATM để báo cáo Bộ Tài chính quyết định mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, triển khai trên diện rộng việc kiểm soát và chủ động thanh toán đối với các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ sử dụng trước, thanh toán sau (điện, nước, viễn thông,...) theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Sẵn sàng cho tiến trình mới

Trên thực tế, hệ thống KBNN đã sẵn sàng hiện thực hóa mô hình “kho bạc không có tiền mặt”. Với nỗ lực cải cách thời gian qua, số thu, chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt tại KBNN đã giảm mạnh. Kết thúc năm 2021, tổng thu bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chỉ chiếm 0,33% so với tổng thu qua KBNN; số chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua KBNN chiếm 0,63% so với tổng chi qua KBNN.

Chuẩn bị cho tiến trình hình thành kho bạc số, KBNN Hải Dương đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. KBNN tỉnh giảm từ 10 phòng xuống còn 5 phòng. Tại KBNN huyện đã xóa bỏ ranh giới các tổ để chuyển sang chế độ làm việc linh hoạt, hiệu quả hơn. Lãnh đạo KBNN tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị đặc biệt quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, tuân thủ các quy định hoạt động nghiệp vụ. Hiện tại, thủ tục trong thu ngân sách đã giản lược rất nhiều. Người thực hiện nghĩa vụ ngân sách rất thuận lợi, mọi lúc, mọi nơi, bằng các phương thức thu nộp hiện đại, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại hoặc trực tiếp tại kho bạc.

Tương tự, KBNN tỉnh Khánh Hòa cũng đã kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, số hóa các giao dịch thu, chi ngân sách. Thời gian tới, đơn vị sẽ nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ nhằm sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ của hệ thống kho bạc trong thời kỳ mới./.

... Theo daibieunhandan.vn