Chỉ tiêu 13.5 là nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
Hà Tĩnh xác định chỉ tiêu 13.5 là một nội dung mới, quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, để bám sát chủ trương, các văn bản chỉ đạo của Trung ương như: Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (tại Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 và Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024), Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”; Quyết định hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chí khuyến nông công động.
Mô hình nông nghiệp hữu cơ bưởi Phúc Trạch
Đồng thời, Sở Nông nghiệp PTNT Hà Tĩnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 36/2022/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ giai đoạn 2022-2025, trong đó cụ thể hóa chỉ tiêu “13.5 - tổ khuyến nông cộng động hoạt động khoa học, hiệu quả, đồng thời, Sở NN- PTNT giao Trung tâm Khuyến nông triển khai tổ chức 8 cuộc tọa đàm cho 13 đơn vị cấp huyện để hướng dẫn thành lập và nâng cao năng lực hoạt động tổ KNCĐ, xây dựng và in ấn tờ rơi cấp phát đến các huyện, xã để tuyên truyền, hướng dẫn thành lập, hoạt động của tổ KNCĐ. Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền các địa phương đã rất quan tâm, vào cuộc chỉ đạo thực hiện.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Ngọc cho biết: Kết quả bước đầu đến nay toàn tỉnh đã có 183 tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả với 2.377 thành viên tham gia (tại 100% số xã đều có tổ khuyến nông cộng đồng). Các tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập và hoạt động đáp ứng được yêu cầu của chỉ tiêu 13.5 quy định. Các hoạt động của tổ đã có hiệu quả và tác động tích cực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế, môi trường, xã hội của các địa phương và góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Tĩnh,…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải (thứ 2 từ phải qua trái) kiểm tra thu hoạch lúa SX theo chuỗi Nông nghiệp tuần hoàn do Tập đoàn Quế Lâm chuyển giao
Hiện nay, các tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh được thành lập và hoạt động theo các quy định của pháp luật, quy định của địa phương và hoạt động theo nội quy, quy chế, điều lệ của tổ; chịu sự quản lý về chuyên môn của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Thành phần nòng cốt là lãnh đạo UBND xã, cán bộ khuyến nông cơ sở, thú y, bảo vệ thực vật, kiểm lâm, thuỷ sản,… đại diện các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, kinh tế tại địa phương, trưởng thôn/Tổ trưởng TDP, bí thư thôn, nông dân sản xuất giỏi tại địa phương.
Các tổ khuyến nông cộng đồng góp phần cùng các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ về công tác khuyến nông như, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện các nhiệm vụ về khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp do cấp có thẩm quyền đến người dân, thực hiện hoạt động tư vấn, dịch vụ và chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, cộng đồng dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Khuyến nông mũi nhọn hợp lực đạt chuẩn nông thôn mới
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc hình thành, xây dựng, phát triển các tổ khuyến nông cộng đồng đang gặp một số khó khăn, như cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động cho tổ khuyến nông cộng đồng về trang thiết bị, công tác nâng cao năng lực cho các thành viên về kỹ thuật, kiến thức thị trường, chuyển đổi số,… Và để các tổ khuyến nông cộng đồng ngày càng phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ người dân, phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp các sở, ngành (Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ,…) tham mưu, chỉ đạo, tập trung cao triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
Mô hình áp dụng quy trình nuôi lươn thương phẩm không bùn tại xã Thạch Đài, Thạch Hà đưa lại hiệu quả kinh tế cao
Căn cứ vào Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông, các văn bản chỉ đạo của Bộ; tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Khuyến nông tỉnh giai đoạn 2023-2025 (theo Quyết định số 2186/QĐ-UBND ngày 24/10/2022 của UBND tỉnh) và kế hoạch khuyến nông hàng năm, trong đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao năng lực hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng, triển khai hỗ trợ hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác thông tin truyền thông, đào tạo, tập huấn, tổ chức hội thảo, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và có giải pháp hỗ trợ tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả,…
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động lồng ghép các chương trình, dự án liên quan trên địa bàn cho triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất, hoạt động khuyến nông cộng đồng tạo sự lan tỏa trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và thực hiện chỉ tiêu số 13.5 trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2022-2025; lồng ghép các chương trình, các nguồn vốn (ngân sách TW, địa phương) để hỗ trợ cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết để phục vụ các hoạt động đạt hiệu quả cao,…
Ngoài ra, chỉ đạo, hướng dẫn củng cố, phát huy hiệu quả 183 Tổ KNCĐ hiện có, và hoạt động của hệ thống khuyến nông cơ sở đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Quyết định số 896 ngày 01/4/2024), gắn với nâng cao chất lượng nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định,…
Tập trung sự chỉ đạo, lãnh đạo và quan tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị tại cơ sở; đánh giá và hỗ trợ các tổ xác định nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng nội dung hoạt động chính dựa trên lợi thế, thế mạnh của từng địa phương để nâng cao hiệu quả các hoạt động.
Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai xây dựng các mô hình “Tổ khuyến nông cộng đồng mẫu” tại các địa phương để làm điểm đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Việt báo cáo kết quả SX lúa theo hướng hữu cơ đem lại kết quả cao với Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải (thứ 2 từ trái qua)
Từ năm 2025, trên cơ sở rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách của tỉnh (như Nghị quyết số 51 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025,…) để nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các nội dung cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ tổ khuyến nông cộng đồng phù hợp đưa vào nghị quyết về chính sách mới cho giai đoạn 2026-2030 trình HĐND tỉnh ban hành và bố trí nguồn lực thực hiện,…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Việt: Mô hình tổ khuyến nông cộng đồng là một hướng đi mới để kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, mô hình này hoạt động đa chức năng như: phục vụ tái cơ cấu ngành, phát triển nông thôn, phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản. Qua 02 năm triển khai cho thấy mặc dù trước mắt vẫn còn một số khó khăn cần bổ sung, điều chỉnh kịp thời, nhưng đây là mô hình xã hội hóa, có hiệu quả, phù hợp với điệu kiện thực tiễn tại Hà Tĩnh. Trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá để tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp, hiệu quả, chắc chắn và bền vững hơn, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí, nâng cao thu nhập người dân hướng tới tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025.