Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên hơn 15.500 km2, trong đó có trên 800.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp những năm qua, tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Được thiên nhiên ưu đãi với loại hình đất đỏ bazan rộng lớn, màu mỡ cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn, có nhiều sông suối, rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông - lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với tiềm năng thuận lợi này đã tạo điều kiện cho Gia Lai phát triển ngành nông nghiệp bền vững là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây lương thực, thực phẩm.
Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã và đang khai thác tiềm năng về phát triển rau, hoa, quả của địa phương; và thực tế cho thấy rau, hoa tươi và cây ăn quả cũng đã đóng vai trò tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh. Tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi đặc thù, thu hút đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, chú trọng hướng dẫn quy trình thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ ưu đãi cho tổ chức, cá nhân, tạo quỹ đất để mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, tỉnh đang triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và quy hoạch chi tiết các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp; phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao.
Tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi đặc thù, thu hút đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhờ những chính sách khuyến khích đó, tỉnh Gia Lai đã hình thành nhiều điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp sạch gắn liền với công nghệ cao như: Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku), Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình (thị xã An Khê), Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh là đơn vị được lựa chọn để liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là hơn 2,65 tỷ đồng. Tại huyện Phú Thiện đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa đạt năng suất cao, chất lượng hạt gạo tốt, cơm ngon với các giống lúa TBR225, LH12, OM4900, JO2… các hộ nông dân tại xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã hình thành tổ sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch đầu tiên của tỉnh. Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh cũng đã có bước phát triển nhất định. Các huyện có thế mạnh về chăn nuôi như: Đak Pơ, Phú Thiện, Ia Pa, Chư Sê, Chư Pah... đã tập trung cải thiện chất lượng con giống, nâng cao chất lượng thịt, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã hợp tác với doanh nghiệp để phát triển đàn gia súc, gia cầm bền vững.
Mô hình trang trại nuôi heo.
Phát triển nông nghiệp với mô hình đa dạng hóa cây trồng đã tạo một bức tranh sinh động của nền nông nghiệp có quy mô, tốc độ phát triển nhanh. Tuy nhiên, Gia Lai còn đang thiếu một tiền đề quan trọng khác là nhanh chóng áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhất là các khâu chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt chú trọng ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; phát triển quy mô đàn gia súc, đẩy mạnh chương trình lai cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo, phát triển các trang trại chăn nuôi theo mô hình công nghiệp và giết mổ gia súc tập trung; đồng thời nghiên cứu bảo tồn các nguồn gene động vật và thực vật hiện có trên địa bàn tỉnh. Giữ vững diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái. Phát triển toàn diện, bền vững cả 3 loại rừng, tăng diện tích rừng trồng và độ che phủ của rừng.
Với tiềm năng thuận lợi đã tạo điều kiện cho Gia Lai phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
Để hình thành tổng thể khu nông - lâm nghiệp công nghệ cao đến năm 2030, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi đặc thù, thu hút đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tỉnh chú trọng hướng dẫn quy trình thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ ưu đãi cho tổ chức, cá nhân, tạo quỹ đất để mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Ngành nông nghiệp của Tỉnh đang chuyển mình trong giai đoạn đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường thế giới. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn là xu thế lựa chọn của người tiêu dùng. Sẽ còn nhiều những khó khăn để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân, tin rằng Gia Lai sẽ thực hiện thành công những mục tiêu đề ra, đưa Gia Lai phát triển nhanh bền vững, giàu bản sắc và trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên vào năm 2030.