24/04/2024 lúc 14:08 (GMT+7)
Breaking News

Fecon muốn bán hết 3,5 triệu cổ phiếu tại Khoáng sản Fecon, rút khỏi tư cách cổ đông lớn

Fecon đã bán xong 1,5 triệu cổ phiếu FCM và đăng ký bán nốt hơn 2 triệu cổ phiếu còn lại.

Fecon đã bán xong 1,5 triệu cổ phiếu FCM và đăng ký bán nốt hơn 2 triệu cổ phiếu còn lại.

Fecon muốn bán hết 3,5 triệu cổ phiếu tại Khoáng sản Fecon, rút khỏi tư cách cổ đông lớn

CTCP Fecon vừa báo cáo giao dịch cổ phiếu FCM của CTCP Khoáng sản Fecon. Theo đó từ 11/2 đến 1/3/2022, Fecon đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu FCM, giảm lượng sở hữu từ gần 3,57 triệu đơn vị (tỷ lệ 7,92%) xuống còn gần 2,07 triệu đơn vị (tỷ lệ 4,66%) và không còn là cổ đông lớn.

Ngay sau đó, Fecon đăng ký bán nốt hơn 2 triệu cổ phiếu FCM còn lại, muốn rút vốn hoàn toàn tại Khoáng sản Fecon để tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Trên thị trường cổ phiếu FCM cũng có nhiều biến động từ đầu năm 2022 đến nay. Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu, FCM lên cao nhất ở mức 13.200 đồng trước khi lao dốc, xuyên thủng mệnh giá về vùng 9.100 đồng/cổ phiếu. Hiện, FCM đã tăng trở lại về vùng giá 10.200 đồng/cổ phiếu

Lần gần đây nhất không tính đợt bán vừa qua, là vào tháng 1/2021 – cách đây 1 năm – Fecon cũng mang lượng lớn cổ phiếu FCM ra bán. Lúc đó Fecon đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu nhưng hết thời gian chỉ bán được 940.400 cổ phiếu.

Ở một diễn biến khác, Fecon dự kiến mua thêm cổ phần trong đợt tăng vốn của công ty con là CTCP Cọc và Xây dựng Fecon (FPL). Trong đó, FPL dự kiến tăng vốn điều lệ từ 36 tỷ đồng lên 81 tỷ đồng.

Công ty cho biết, FCN dự kiến sẽ mua thêm 3.975.750 cổ phiếu FPL trong đợt tăng vốn, tương đương giảm tỷ lệ sở hữu từ 99,94% về chỉ còn 93,5% vốn điều lệ. Công ty ủy quyền cho ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT công ty triển khai thực hiện việc mua thêm cổ phần tại công ty con.

Như vậy, mặc dù mua thêm cổ phần nhưng do không mua đủ tỷ lệ, công ty vẫn chịu áp lực pha loãng và giảm tỷ lệ sở hữu tại FPL.

Về tình hình kinh doanh, theo Báo cáo tài chính quý IV/2021, FCN ghi nhận doanh thu đạt 1.275,04 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 43,77 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,1% và giảm 13,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12,9% lên 14,5%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 26% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 38,2 tỷ đồng lên 184,89 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 79,5%, tương ứng tăng thêm 21,21 tỷ đồng lên 47,89 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 10,1%, tương ứng tăng thêm 6,39 tỷ đồng lên 69,75 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm trong quý IV/2021 do chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Lũy kế trong năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.484,22 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 114,82 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,5% và giảm 14,1% so với thực hiện trong năm 2020.

Trong năm 2021, FCN đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 175 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm mà chỉ đạt 65,6% kế hoạch lợi nhuận.

Xét về dòng tiền, trong năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 109,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 88,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.204,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.271,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của FCN tăng 12,1% so với đầu năm lên 7.598 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.817,7 tỷ đồng, chiếm 37,1% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.886,8 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.710,1 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng tài sản.

Ngoài ra, trong năm 2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 55% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 876,7 tỷ đồng lên 2.471,6 tỷ đồng và chiếm 32,5% tổng nguồn vốn.