BITEXCO - Góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ kiến trúc thế giới

Việt Nam là quốc gia gồm 54 dân tộc anh em. Phần lớn các dân tộc thiểu số sinh sống ở những địa bàn an ninh quốc phòng của đất nước. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cho vùng DTTS giúp trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng này dần được nâng lên, nhất là thông tin về chính sách, pháp luật, về kinh tế, chính trị - xã hội được nâng cao về số lượng và chất lượng.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao khắc phục những hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật cho đồng bào các DTTS, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của DTTS, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong điều kiện mới.

Kết quả công tác truyền thông chính sách DTTS

Không thể phủ nhận rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật DTTS trong nhiều năm qua đã mang lại những kết quả quan trọng. Truyền thông góp phần nâng cao và mở rộng tầm hiểu biết, nhận thức xã hội của đồng bào DTTS; qua đó giúp đồng bào có động lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu, xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc. Bên cạnh đó, truyền thông góp phần làm thay đổi tình cảm, niềm tin và hành vi của đồng bào theo hướng tích cực và hòa nhập. Mặc dù chưa thể triệt để được, nhưng truyền thông đã có tác dụng rõ rệt giúp đồng bào DTTS thay đổi suy nghĩ, có những hành vi tiến bộ, văn minh, nhất là về những vấn đề xã hội, những công việc hằng ngày. Từ đó giúp đồng bào có niềm tự hào về dân tộc mình; giảm những tệ nạn xã hội, nghiện ngập, ma túy và một số hủ tục mê tín dị đoan khác, giúp cuộc sống văn minh hơn.  Truyền thông còn góp phần tích cực củng cố niềm tin của đồng bào vào Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thông qua truyền thông, đồng bào DTTS hiểu rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng, tin vào Đảng và Nhà nước, tham gia nhiều hơn các hoạt động chính trị - xã hội, như xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia bầu cử... Không nghe theo những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu, của các thế lực thù địch. Truyền thông chính sách DTTS đã có tác dụng thiết thực giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tạo động lực để bà con tích cực học hỏi, áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, kinh nghiệm hay để phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc… Đây là những kết quả rất cơ bản đạt được trong công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật DTTS thời gian qua…

Vậy đâu là hạn chế, bất cập trong công tác truyền thông chính sách dân tộc thiểu số hiện nay?

Bên cạnh những kết quả rất lớn đã đạt được, công tác truyền thông chính sách DTTS thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần khắc phục, điều chỉnh.

1/ Từ góc độ cơ quan quản lý 

Bất cập đầu tiên trong hoạt động tuyên truyền chính sách DTTS là một số nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào còn chưa phù hợp, nghĩa là chưa thực sự gắn với trình độ dân trí và đặc điểm thực tiễn nơi đồng bào DTTS sinh sống, nên bà con chưa hiểu, chưa làm theo được. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cách phổ biến theo kiểu “nắm tay chỉ việc” sẽ có tác dụng hơn là chỉ phổ biến theo lý thuyết đơn thuần, vì nhiều khi phổ biến miệng xong là đồng bào lại quên… Mặt khác, trong đội ngũ nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền cũng còn một số vẫn hạn chế về mặt kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thậm chí nhiều người chưa biết tiếng và ngôn ngữ dân tộc thiểu số; chưa hiểu biết sâu về văn hóa, tập quán sinh hoạt và tâm lý của đồng bào để có thể thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng còn một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương DTTS thiếu tính chủ động trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật một cách thường xuyên; chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; chưa phát huy được vai trò quan trọng của những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản; chưa lấy hiệu quả của công tác tuyên truyền làm mục tiêu phải đạt được.  

 

2/ Từ góc độ cơ quan truyền thông, báo chí

Báo chí là một trong những kênh quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến đồng bào các DTTS. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của cơ quan truyền thông báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến đồng bào các DTTS vẫn còn một số hạn chế; cụ thể là: Hiệu quả tuyên truyền chưa cao, do chất lượng nội dung (bài viết) và cách truyền tải nội dung tuyên truyền đến đồng bào còn hạn chế. Chưa thực sự chú trọng đến các bài viết nêu gương người tốt việc tốt, kinh nghiệm tốt trong phát triển kinh tế gắn với các chính sách của Nhà nước về phát triển khu vực DTTS, để bà con học tập; mà còn nhiều bài viết phản ánh các hiện tượng tiêu cực, các hủ tục lạc hậu... Những bài viết phản bác lại các thế lực thù địch về sự xuyên tạc, chống phá chế độ, giúp đồng bào hiểu rõ bộ mặt thật của chúng để không nghe theo các luận điệu phản động, cũng chưa nhiều và tính thuyết phục chưa cao.  Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền còn khô khan, nặng về tuyên truyền chính sách một chiều; có nhiều trường hợp nội dung, hình thức chưa thực sự phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lý của đồng bào; thiếu cách tiếp cận trực tiếp và sâu rộng tới đồng bào DTTS. Các hình thức truyền thông trực tiếp cũng chưa phát huy được hết thế mạnh, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; cần tăng cường truyền thông theo hình thức sân khấu hóa, vốn có tác dụng nhiều hơn với đồng bào…

Đề xuất giải pháp:

Giải pháp quan trọng đầu tiên là có kế hoạch, chương trình, nội dung nhằm nâng cao nhận thức và cách làm của chính các chủ thể truyền thông, bao gồm cán bộ trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị (HTCT), cơ quan báo chí truyền thông (BCTT) cả Trung ương và địa phương; cả người làm truyền thông trực tiếp, cũng như bản thân người dân vừa là chủ thể, vừa là khách thể. Truyền thông phải là dòng chảy hai chiều, có tác động qua lại giữa người làm nhiệm vụ truyền thông và người được truyền thông. Cần đổi mới cơ chế, chính sách về truyền thông ở vùng DTTS theo hướng thiết thực, tăng cường đặt hàng cơ quan báo chí, truyền thông và lấy hiệu quả cụ thể làm tiêu chí; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị truyền thông. Nội dung, hình thức đưa thông tin tới đồng bào các DTTS cũng cần đổi mới để thông tin vừa đúng đối tượng, vừa hiệu quả. Thông tin cần thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là mỗi người dân đều nghe được, biết được và làm theo được. Việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, thông tin đa phương tiện cần được đẩy mạnh trong tình hình mới. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách; cần có cơ chế đặt hàng cụ thể, rõ ràng đối với các đơn vị làm truyền thông chính sách DTTS, nhất là đối với cơ quan báo chí, để việc triển khai các chương trình truyền thông vận động được hiệu quả hơn./.

Nhà báo Đoàn Mạnh Phương

Chủ tịch Hội đồng Quản lý; Phó Viện trưởng thường trực

Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý