BITEXCO - Góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ kiến trúc thế giới và 3 bí quyết thành công
Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chất lượng tạp chí khoa học (KH) được coi là thước đo đánh giá kết quả hoạt động KH và trình độ phát triển KH của một tổ chức nghiên cứu cũng như của một quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa là, ở một quốc gia mà tạp chí KH còn chậm phát triển thì dẫn tới hạn chế trong hội nhập với quốc tế, trình độ phát triển KH của quốc gia đó còn ở mức thấp.
Đối với nước ta, số lượng các tạp chí KH là tương đối nhiều, nhưng số tạp chí KH đạt chuẩn quốc tế lại rất hạn chế. Sở dĩ như vậy là do hầu hết các tạp chí khoa học của Việt Nam vẫn hoạt động theo một mô hình chung là thực hiện nhiệm vụ xuất bản các bài báo khoa học thuộc lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo của cơ quan chủ quản, tác giả của các bài báo phần lớn cũng là các nhà khoa học thuộc cơ quan chủ quản đó (rất ít tác giả là người bên ngoài, càng hiếm tác giả là người nước ngoài). Bên cạnh đó, các tạp chí chưa có sự đổi mới mạnh mẽ để phát triển theo chuẩn mực và thông lệ chung của quốc tế; trong đó số tạp chí xuất bản bằng tiếng Anh còn rất ít, nhiều tạp chí chưa định dạng bài báo theo thông lệ chung, chưa số hóa và xuất bản trực tuyến… Ngay cả việc đánh giá và quản lý chất lượng các tạp chí khoa học ở Việt Nam hiện nay vẫn còn theo cảm tính nhiều, chưa có công cụ đánh giá một cách khách quan phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với các tạp chí KH chuyên ngành, chuyên sâu, việc quản lý giống như hệ thống báo chí chung (như đang áp dụng) là không phù hợp vì nội dung các tạp chí KH chuyên ngành mang tính đặc thù, chất lượng phải được đánh giá thông qua các chuyên gia, các công cụ hữu hiệu, chứ không phải là do công chúng quan tâm tới những nội dung liên quan đánh giá giống như các tạp chí khoa học ứng dụng khác. Ở rất nhiều tạp chí KH, tính chất thông tin, cổ vũ, tuyên truyền nhiều khi còn lấn át tính phát hiện, phản biện, tranh luận khoa học. Hình thức của nhiều tạp chí còn lạc hậu, chưa có những mặc định thông tin tối thiểu theo thông lệ quốc tế, như: tóm tắt bài báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh, từ khóa, ngày phản biện, ngày bài báo được duyệt đăng, tài liệu tham khảo… đều chưa được cập nhật đầy đủ.
Tất cả những hạn chế đó, để khắc phục được cũng không phải một sớm một chiều. Một mặt do thói quen và sự hạn chế trình độ, nhận thức của một bộ phận những người làm tạp chí KH. Mặt khác, cơ chế chính sách về hoạt động khoa học công nghệ nói chung, về xuất bản tạp chí khoa học chuyên ngành nói riêng còn chưa hoàn thiện, không tạo được sự đột phá để nâng cao chất lượng tạp chí KH theo chuẩn quốc tế.
Để nâng cao chất lượng tạp chí khoa học Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế, thực sự chúng ta còn không ít việc phải làm, yêu cầu phải đáp ứng. Nhưng trước mắt các tạp chí KH cần tham gia vào hệ thống VCI (Vietnam Citation Index) – Đây là hệ thống Chỉ số trích dẫn Việt Nam do HĐCDGSNN xây dựng, nhằm đánh giá và xếp hạng chất lượng các tạp chí khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị, cơ quan khoa học khác. Đây cũng là cơ sở để tạp chí KH có thể gia nhập vào hệ thống ACI (là hệ thống trích dẫn của Cộng đồng ASEAN) và các hệ thống khác trong khu vực và trên thế giới; Cần cải tiến, đổi mới tạp chí KH theo các chuẩn của VCI; Có kế hoạch xuất bản số tạp chí KH bằng Tiếng Anh cho các số chuyên ngành; Có kế hoạch và chiến lược trong việc liên kết xuất bản tạp chí KH, cũng như liên kết đội ngũ làm tạp chí KH với các cơ quan, các viện nghiên cứu, các trường Đại học trong khu vực và trên thế giới.
Một tạp chí KH tốt, trước hết là các bài báo KH trong đó phải có chất lượng cao. Để được như vậy, điều quan trọng đầu tiên là phải nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH). Vấn đề này phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng ngay lúc này, cần hoàn thiện chính sách áp dụng cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ gắn với giao kinh phí cho hoạt động NCKH; đồng thời bố trí kinh phí NCKH cho các cơ sở nghiên cứu theo các kết quả đầu ra mà cơ sở đó cam kết. Mặt khác, cần có giải pháp để chấm dứt tình trạng các nhà khoa học “chân chính” phải quá mệt mỏi với các thủ tục, nhất là thủ tục tài chính, lo “chạy” đề tài…
Nhìn rộng ra một chút, tạp chí KH của các quốc gia phát triển hiện nay đều hướng tới các chuẩn mực được nhiều người thừa nhận. Theo đó, Tạp chí được coi là chuẩn công bố quốc tế hay tạp chí quốc tế là tạp chí được trích dẫn trong các cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ uy tín; hiện tại gồm có Thomson Reuteurs (Web of Science, mà trước đây thường gọi là ISI) và Scopus. Ở đó, các tạp chí mới liên tục được thẩm định để được đưa vào cơ sở dữ liệu. Việc thẩm định các tạp chí khoa học dựa trên 3 tiêu chí: Thứ nhất, tạp chí khoa học phải có tiêu đề và tóm tắt bằng tiếng Anh (phần nội dung bài báo có thể là ngôn ngữ khác); Thứ hai, thời hạn xuất bản đúng như cam kết với tần suất phát hành tối thiểu một năm một số; Thứ ba, chất lượng tạp chí phải được đảm bảo dựa trên sự đánh giá về chất lượng và ảnh hưởng của tạp chí trong ngành… Tạp chí KH Việt Nam cũng phải hướng theo xu thế phát triển và các tiêu chí đó để hội nhập quốc tế.
Ở tầm vĩ mô, những năm qua nhà nước ta cũng có những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nói chung và việc công bố, xuất bản các công trình khoa học, bao gồm tạp chí KH nói riêng. Đặc biệt, liên quan trực tiếp tới các tạp chí khoa học, cách đây hơn một năm, ngày 11/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 tại Quyết định số 569/QĐ-TTg. Trong đó đã xác định giải pháp quan trọng để phát triển hệ thống tạp chí khoa học và công nghệ trong nước đạt trình độ quốc tế là: “Đầu tư thỏa đáng đối với hệ thống tạp chí trong nước trên cơ sở cân đối giữa các lĩnh vực KH&CN, các đối tượng phục vụ, khuyến khích áp dụng công nghệ số, liên kết với các nhà xuất bản, tạp chí có uy tín trên thế giới. Nâng cao trình độ của đội ngũ biên tập, tăng tính đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập; thu hút, khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước đăng tải các bài báo có chất lượng ở tạp chí trong nước. Có các quy định bắt buộc các đề tài từ ngân sách nhà nước phải có công bố trên các tạp chí trong nước”. Có thể nói, đây là những vấn đề khái quát nhất về các giải pháp phát triển tạp chí khoa học theo định hướng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự quan tâm ban hành chính sách của các cơ quan quản lý, sự quan tâm đầu tư thỏa đáng của cơ quan chủ quản, sự vào cuộc quyết liệt của bản thân các tạp chí và sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học đối với tạp chí khoa học trong nước.
Với tiềm năng lớn từ các nhà khoa học và đội ngũ trí thức nói chung, cộng với chính sách phát triển khoa học công nghệ của nhà nước không ngừng được đổi mới, hoàn thiện, chúng ta kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều các tạp chí khoa học Việt Nam có chất lượng cao và đặc biệt là đủ chuẩn hội nhập quốc tế; góp phần thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ của đất nước không ngừng phát triển../.
Nhà báo Đoàn Mạnh Phương
Chủ tịch HĐQL Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý
Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập