BITEXCO - Góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ kiến trúc thế giới và 3 bí quyết thành công
Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang được đánh giá là phát triển theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch. Trong đó, với vị trí tương đối thuận lợi và một nguồn tài nguyên du lịch phong phú, tỉnh có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ chốt trong cơ cấu kinh tế.
Cũng chính việc thực hiện những hướng đi đúng đắn, mang tính bài bản, du lịch An Giang đã có những bước tiến vững chắc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Không chỉ vậy, vùng đất này cũng đặt trên vai trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân chính là đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và các lễ hội truyền thống; điều này không chỉ có ý nghĩa giáo dục những thế hệ sau về những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch. Cũng chính vì vậy mà An Giang không chỉ là nơi hội tụ của những điểm đến ấn tượng, mà còn là điểm đến “An toàn-thân thiện-hấp dẫn”.
Theo đó, để khẳng định thương hiệu của mình xứng tầm với tiềm năng và lợi thế đang có, An Giang cũng đã có những định hướng, đặc biệt là trong phát triển sản phẩm du lịch nhằm hướng đến khai thác tốt nhất tài nguyên, tạo ra sản các sản phẩm du lịch đặc thù, riêng có, qua đó xây dựng được thương hiệu và lợi thế cạnh tranh của “ngành công nghiệp không khói” tỉnh An Giang với các địa phương còn lại trong vùng. Cụ thể là phát triển sản phẩm du lịch gắn với lễ hội; sản phẩm du lịch sinh thái ngập nước; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao sông nước; du lịch ẩm thực; du lịch biên giới… trong đó phải kể đến đặc trưng nhất chính là du lịch tâm linh. Bởi vùng đất này có hàng ngàn ngôi chùa, đền, đình, miếu… chứa đựng những giá trị mang tính văn hóa đặc trưng, giá trị về lịch sử, kiến trúc, hội họa, tâm linh, tín ngưỡng. Trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, du lịch tâm linh là một trong những hình thức tiêu biểu của loại hình du lịch văn hóa, có động lực to lớn trong việc kích cầu, làm tăng doanh thu cho các địa phương. Và một trong những điểm đến du lịch tâm linh đặc trưng tiêu biểu của An Giang là Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc) chứa đựng những giá trị mang tính văn hóa đặc trưng, giá trị về lịch sử, kiến trúc, hội họa, tâm linh, tín ngưỡng.
Một trong những nơi thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến An Giang nói chung và TP.Châu Đốc nói riêng là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và Lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ - một trong những lễ hội tín ngưỡng tâm linh lớn nhất, đồng thời cũng mang nét đặc trưng của tỉnh An Giang và ĐBSCL; cũng là một trong những lễ hội thu hút hàng ngàn du khách tham gia đến An Giang vào mỗi năm. Lễ hội đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2001; và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014.
Như mọi năm, trong năm 2022 này, An Giang đã tổ chức Lễ hội cấp Quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (diễn ra từ ngày 22-27/5 - tức từ ngày 22-27/4 âm lịch) – lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước Nam bộ. Vào những ngày này, hàng triệu khách hành hương từ các nơi lại đổ về Châu Đốc để cúng viếng Bà Chúa Xứ với tất cả lòng thành kính. Thông qua các hoạt động Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, TP Châu Đốc nói riêng, tỉnh An Giang nói chung mong muốn quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, con người Châu Đốc và An Giang... qua đó, thu hút đầu tư, khách tham quan đến với vùng An Giang thân thiện và mến khách.
Được biết, để chuẩn bị tốt nhất cho lễ hội, TP.Châu Đốc đã chuẩn bị nhiều phương án, nhằm đảm bảo mục tiêu kép: vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.Châu Đốc (An Giang) chia sẻ, lễ hội năm nay được đầu tư nâng chất theo hướng tạo điều kiện để du khách, người dân cùng tham gia, để lễ hội dần trở về với tính cộng đồng, như: Chương trình may áo Bà; lễ phục hiện rước tượng Bà, rước tượng Bà từ bệ đá Bà ngự trên đỉnh núi Sam và kết thúc tại sân khấu miếu Bà; lễ tắm Bà; lễ thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ lăng mộ về miếu Bà; lễ túc yết và xây chầu; lễ chánh tế, lễ hồi sắc, đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà về lăng mộ… Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên, tại sân khấu Chánh điện miếu Bà, đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh An Giang đã cùng nhau may thủ công bằng tay 96 chiếc áo dâng lên Bà Chúa Xứ (nguyên nhung Thánh Mẫu núi Sam).
Không phải ngẫu nhiên mà Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được nhiều người biết đến và được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ. Bởi đây là nét văn hóa chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, với sự giao lưu, hội nhập về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự cùng các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa để rồi tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng về mặt văn hóa, vừa kế tục được sự nghiệp văn hóa của người cổ xưa, vừa tôn tạo, bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc dân Việt Nam một cách độc đáo. Bên cạnh đó, các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng dân gian tại Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam còn hướng tới một nhân vật huyền thoại là danh tướng Thoại Ngọc Hầu - những người có công khai phá và bảo vệ vùng đất này.
Trí Đức