VNHN - Tiếp tục quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương hay là bãi bỏ quy định này nhằm bảo đảm quyền cư trú cho công dân là vấn đề còn nhiều ý kiến tại Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi.
Ảnh minh họa
Điều 20, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương. Chẳng hạn, đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên. Hoặc, đăng ký vào quận nội thành Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô là phải tạm trú từ 3 năm trở lên… Ngoài các quy định trên, thì Luật Cư trú cũng có thêm “quy định quét”: Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố… Từ quy định của Luật, nhiều địa phương đã đưa ra những rào cản có tính chất kỹ thuật như: Để đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh người dân phải đáp ứng về tiêu chuẩn chỗ ở tối thiểu 20m2 sàn nhà ở/người…
Việc quy định các điều kiện chặt chẽ trong đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương được các nhà làm luật kỳ vọng là sẽ góp phần hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị lớn. Tuy nhiên, thực tế tổ chức triển khai Luật Cư trú cho thấy, việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú; đồng thời, chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm tác động cơ học của tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn.
Đây cũng là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú. Liên quan đến vấn đề này, hiện dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là không quy định việc này, bỏ Điều 20 Luật Cư trú hiện hành. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ không quy định thêm các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương mà áp dụng chung trong cả nước như đối với các tỉnh. Phương án 2, tiếp tục quy định các điều kiện riêng đối với đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như quy định của Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô..
Nội dung này cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú vào năm 2013. Theo đó, rất nhiều ý kiến, đặc biệt là của các ĐBQH cho rằng không nên vì hạn chế sự quá tải mà hạn chế quyền cư trú của công dân; hơn nữa việc giảm tải cho các đô thị lớn không nên dựa vào việc hạn chế người dân vào các đô thị lớn. Bởi, lao động di cư là quy luật tất yếu của phát triển kinh tế; hơn nữa trên thực tế việc đăng ký thường trú và chỗ ở của người dân là hoàn toàn khác nhau. Nếu dùng biện pháp hành chính như các điều kiện để được đăng ký thì chỉ quản lý được những người đăng ký; còn những người không đăng ký mà vẫn có chỗ ở thì sao?