14/01/2025 lúc 19:34 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội “vàng”

Để du lịch và hàng không đạt kết quả cao nhất trong quá trình phục hồi, cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, liên minh bền vững, sẵn sàng đón làn sóng khách du lịch quốc tế quay trở lại. Giờ là lúc cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Để du lịch và hàng không đạt kết quả cao nhất trong quá trình phục hồi, cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, liên minh bền vững, sẵn sàng đón làn sóng khách du lịch quốc tế quay trở lại. Giờ là lúc cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

 Du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội “vàng” 

Khách quốc tế tìm thông tin về Việt Nam tăng 425%

Ngày 11/3/2022, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh, Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả”.

Toàn cảnh Diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh, Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả”

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI cho biết, thế giới đã bước vào năm thứ 3 của đại dịch Covid-19 và trước những diễn biến vẫn còn phức tạp hiện nay, chắc chắn việc sống chung với Covid-19 sẽ còn kéo dài.

Đứng ở góc độ kinh doanh, trong hơn 2 năm vừa qua, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.

“Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu”, bà Lan Anh khẳng định.

Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 1/2022, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Người Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.

Đặc biệt, hiện Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới, đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ và hiện là chuẩn bị đến du lịch.

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Đối với doanh nghiệp, việc được quan tâm nhất lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong năm nay”, Tổng thư ký VCCI chia sẻ.

Từ khi thực hiện thí điểm đón khách từ giữa tháng 11/2021, thị trường du lịch Việt Nam đã “ấm” dần lên, nhận được sự quan tâm của nhiều du khách, hãng truyền thông trên thế giới. Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội "vàng" khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức cho phép tất cả các địa phương có đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.

“Phương án đón khách chính thức sẽ được Chính phủ phê duyệt rất nhanh trước khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3/2022 và cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ thời điểm đó để hiện thực hóa mục tiêu đề ra của ngành du lịch trong năm nay là đón được từ 5 - 6 triệu khách quốc tế”, Tổng thư ký VCCI đánh giá.

Cần phát huy sức mạnh tổng hợp, liên minh bền vững, sẵn sàng mọi điều kiện

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực của toàn ngành du lịch và của các tỉnh, thành phố, sự ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân, du lịch Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi đầy tích cực với từng bước triển khai vững chắc.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho phép mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15/03/2022.

Đối với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ sớm công bố các nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch và hướng dẫn chi tiết để các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện.

Trong phương án mở cửa đang được xin ý kiến các bộ ngành liên quan, Tổng cục Du lịch đề xuất nhiều quy định linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho hàng không, doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở lưu trú khi mở cửa du lịch từ ngày 15/3 như: Thay đổi về quy định xét nghiệm Covid-19 đối với du khách, giảm mức trách nhiệm tối thiểu đối với bảo hiểm du lịch chi trả điều trị Covid-19, chính sách thị thực cho khách nhập cảnh…

Đối với thị trường nội địa, hoạt động du lịch được mở cửa hoàn toàn bình thường theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Các địa phương công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng.

“Việc Chính phủ cho phép mở cửa lại hoàn toàn các chặng bay quốc tế là điều kiện thuận lợi để khách du lịch tin tưởng và có kế hoạch đi du lịch Việt Nam. Đây đồng thời là điều kiện tiên quyết để các hãng lữ hành bắt đầu quảng bá các chương trình du lịch Việt Nam tại các thị trường nguồn trọng điểm”, ông Siêu nhấn mạnh.

Ngoài ra, để du lịch và hàng không đạt được những kết quả cao nhất trong quá trình phục hồi, theo ông Siêu, chúng ta cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, liên minh bền vững, sẵn sàng đón làn sóng khách du lịch quốc tế quay trở lại và lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam”, mang lại những hoạt động du lịch - hàng không an toàn và trải nghiệm trọn vẹn tới du khách.

“Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế”. ông Siêu nhấn mạnh.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Còn theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế.

Ông Khánh nói: "Để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Sau hai năm bị tàn phá bởi làn sóng Covid-19, phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ thị trường du lịch. Doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch".

Người đứng đầu Tổng Cục du lịch Việt Nam cũng bày tỏ, hơn lúc nào hết cần được các Bộ ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Bên cạnh du lịch nội địa, một lộ trình tái khởi động du lịch quốc tế (gồm cả hoạt động du lịch đón khách quốc tế đến Việt Nam và đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) sẽ góp phần sớm phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết.