26/12/2024 lúc 18:57 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch Nghệ An: Hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trung tâm du lịch vùng Bắc Trung bộ, điểm đến hấp dẫn của cả nước

Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng được nêu rõ, nhằm đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước.

Đảo chè Thanh Chương - Ảnh: Lê Quang Dũng

Từ những chủ trương, kế hoạch phát triển toàn diện

Trong thời gian qua, đặc biệt là từ sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương, kế hoạch, giải pháp về đẩy mạnh phát triển Du lịch, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định, phát triển du lịch là một trong các ngành dịch vụ cần dành nhiều sự quan tâm. Do đó, Nghệ An đã tập trung xây dựng Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, ưu tiên quy hoạch chi tiết các dự án du lịch trọng điểm có tính đột phá. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 05/01/2023 về phát triển du lịch năm 2023; phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về chỉ đạo thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ của Tổ công tác số 5 theo Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 667/KH-UBND ngày 11/9/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 33/NQ-HĐND về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2023/QĐ-UBND ngày 03/8/2023 về quy định phân cấp quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định số 18. Mới đây nhất, ngày 23/5/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1439/QĐ - UBND phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Bên cạnh đó là việc tăng cường quản lý điểm đến du lịch, dịch vụ du lịch và hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” – Tiểu dự án tỉnh Nghệ An.

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cùng những giải pháp cụ thể được thực hiện, năm 2023 Du lịch Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, lượng khách du lịch năm 2023 tăng nhanh, nhất là khách nội địa. Lượng khách cả năm ước đạt 8.360.000 lượt, bằng 124% so cùng kỳ 2022; khách quốc tế đạt 77.500 lượt. Doanh thu du lịch đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 139% so cùng kỳ 2022… Ngành Du lịch xứ Nghệ đã có sự khởi sắc rõ nét.

Mặc dù vậy, Du lịch Nghệ An vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Sự phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng vốn có; đóng góp của du lịch vào GRDP còn thấp và chưa tương xứng. Còn thiếu sản phẩm có thể tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Nghệ An; thiếu dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm để tăng mức chi tiêu của du khách; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài với các dự án tầm cỡ, dịch vụ độc đáo, cao cấp... Đó là những vấn đề ngành Du lịch Nghệ An đang từng bước khắc phục.

Đô thị Du lịch biển Cửa Lò nhìn từ trên cao - Ảnh:Thành Cường

Đến những giải pháp và phương hướng cụ thể

Mục tiêu tổng quát của Du lịch Nghệ An là: Phấn đấu đến năm 2025, thu hút từ 6 - 6,3 triệu lượt khách du lịch có lưu trú, trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu đạt 11.000 tỷ đồng; đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác; Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước.  Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10 - 12%.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian qua ngành Du lịch Nghệ An tập trung phát triển và khai thác thế mạnh du lịch tại các địa bàn trọng điểm, gồm: thị xã Cửa Lò và vùng ven biển; huyện Nam Đàn và vùng phụ cận; thành phố Vinh; miền Tây Nghệ An. Tiếp tục triển khai hiệu quả các tuyến phố đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực và các mô hình kinh doanh mới tại các đô thị Vinh, Cửa Lò... Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, bốn mùa, sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế trên cơ sở thế mạnh của tỉnh và tính bổ trợ kết nối trong sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng.  Quy hoạch, phát triển một số khu du lịch quốc gia; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án về du lịch. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư phát triển du lịch của tỉnh, tiến tới xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Nghệ An là điểm đến của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Định vị một số sản phẩm du lịch có thế mạnh của tỉnh như: Du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; du lịch ẩm thực để tập trung phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước; tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định khách du lịch nội tỉnh, nội địa; thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế; hình thành và tổ chức thường niên hay định kỳ một số sự kiện du lịch mới, có quy mô vùng. Công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tiếp tục được triển khai tích cực… Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, số hóa các di tích; nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh/thành phố trong nước, nhất là những địa phương có nguồn khách lớn; đồng thời mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh/thành phố của các nước trong khu vực và các nước Nghệ An có ký kết hợp tác…

Việc xây dựng điểm du lịch 4 mùa là một chủ trương mới, được ngành Du lịch và nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch trong tỉnh triển khai vài năm nay và đã đóng góp một lượng khách cũng như doanh thu đáng kể, từng bước tạo sự cân bằng bốn mùa cho du lịch của Tỉnh. Chẳng hạn, Công ty TNHH thương mại và Du lịch SAM khẩn trương hoàn thiện bộ sản phẩm mới với các tour trải nghiệm đặc trưng như: Khám phá đỉnh Puxailaileng huyện Kỳ Sơn; tham quan đồi hoa Xuân ở huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa; du lịch cộng đồng ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong… Hoặc như Thị xã Cửa Lò, đã xây dựng nhiều điểm "check in" ở khu vực Quảng trường Bình Minh, lâm viên; tạo các cánh đồng hoa cúc biển; có các sản phẩm du lịch nông nghiệp cho du khách vừa tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm. Ở mỗi phường, xã, thị xã Cửa Lò cũng đã xây dựng 1 điểm đến văn hóa làng biển, tham quan trải nghiệm chợ truyền thống, làng nghề và mua sắm các sản phẩm OCOP như cá thu, tôm nõn, mực khô…

Mái nhà cổ Bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, Quế Phong - Ảnh: Đậu Hồng Sơn

Năm 2024 và trong thời gian tiếp theo, Nghệ An tập trung đầu tư xây dựng các dịch vụ cao cấp; mở rộng không gian du lịch về phía miền Tây Nghệ An với các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, nghỉ dưỡng núi đẳng cấp, chất lượng cao. Phát triển sản phẩm du lịch có sự kết nối chặt chẽ của ba trụ cột chính là du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái gắn với khám phá văn hóa cộng đồng nhằm tạo ra thương hiệu đặc trưng, giá trị khác biệt. Phát huy các giá trị truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng của xứ Nghệ gắn với phát triển du lịch, như Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh, Lễ hội Làng Sen… Đa dạng hóa dịch vụ du lịch thông qua khai thác các giá trị văn hóa lịch sử và sức sáng tạo trong cách thức làm du lịch của người dân và doanh nghiệp, từ đó, gia tăng hoạt động trải nghiệm và tăng mức chi tiêu của khách du lịch... Tiếp tục hướng dẫn, giám sát các địa phương được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2024 và phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả. Lập tiến độ, kế hoạch triển khai Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực GMS – giai đoạn 2” sát với tình hình thực tế; chủ động trong việc đề xuất với Nhà tài trợ các nội dung, nhất là các thủ tục để triển khai thực hiện Dự án, đảm bảo tiến độ theo Hiệp định vay vốn đã ký; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có)…

Với một chiến lược và những giải pháp cụ thể cùng một quyết tâm lớn được thể hiện, Du lịch Nghệ An nhất định phát triển mạnh mẽ trong những năm tới và sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Nghệ An.

Nguyệt Hằng