Sự kiện có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, các phóng viên, biên tập viên báo chí Trung ương và địa phương trong cả nước.…
Kinh tế báo chí là vấn đề cấp được quan tâm để nền báo chí Việt Nam phát triển bền vững; và việc giải bài toán kinh tế báo chí cũng sẽ góp phần giúp cho báo chí các địa phương từng bước tự chủ tài chính, thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam.
Chính vì vậy, diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 đã được tổ chức nhằm 3 mục đích: (1) Trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu/hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; (2) Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ; (3) Chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta...
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, kinh tế báo chí là điều cần quan tâm hàng ngày nhưng trên hiện chưa có nhiều diễn đàn nói về kinh tế báo chí. Vì vậy, “Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023” chính là cơ hội chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt để báo chí tiến về phía trước với tinh thần lạc quan.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã tích cực đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí như “chuyển đổi số báo chí” nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội.
Chuyển đổi số cũng cần gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới... Vai trò của công nghệ đối với kinh tế báo chí như: thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quản cáo và phát triển thêm các mảng doanh thu khác.
Đề xuất hợp tác về hạ tầng công nghệ số với cơ quan báo chí. “Cơ chế đặt hàng” báo chí trong việc truyền thông chính sách, đây sẽ là một trong những phương thức thúc đẩy kinh tế báo chí trong thời gian tới, giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
“Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023” là một trong những chuỗi hoạt động của Dự án Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024, với sự đồng hành xuyên suốt của công ty Vinamilk, nhằm mục tiêu hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới.
Sau 3 năm (2020-2022), dự án đã tổ chức thành công hơn 20 hoạt động bao gồm tổ chức các khóa tập huấn, các diễn đàn, hội thảo về công nghệ, báo chí, xuất bản 6 cuốn sách về nghiệp vụ báo chí… tiếp cận được đến với gần hơn 10.000 lượt các nhà quản lý báo chí, cán bộ quản lý truyền thông, phóng viên báo chí trên cả nước.