06/05/2024 lúc 09:27 (GMT+7)
Breaking News

Đội ngũ doanh nhân và khát vọng cống hiến cho đất nước mạnh giàu

Trong công cuộc đổi mới, đội ngũ doanh nhân là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh, phát triển, đã và đang trở thành lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Dù chưa hẳn đã đạt được những mong muốn về sự lớn mạnh và quy mô phát triển, nhưng đội ngũ doanh nhân nước ta vẫn giữ vai trò chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước; là lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, để Việt Nam ngày càng thịnh vượng, hùng cường.

Sau 37 năm đổi mới, toàn quốc hiện có gần 900.000 doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, hơn 5 triệu doanh nhân. Cùng với sự lớn mạnh về số lượng, doanh nghiệp Việt cũng luôn đổi mới để hoạt động ngày càng bài bản và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt là ý chí, tinh thần vượt khó và trách nhiệm vì cộng đồng của đội ngũ doanh nhân Việt rất đáng trân trọng. Trong gần 3 năm vừa qua khi đất nước đương đầu với đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm, tinh thần vì cộng đồng rất cao. Họ đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ người dân đối phó với dịch bệnh và cũng chính họ lại là đội ngũ tiên phong trong chương trình phục hồi kinh tế; đi đầu trong xu hướng phát triển xanh, chuyển đổi số, giữ thị trường nội địa, đưa hàng hóa Việt ra thị trường nước ngoài… Chính tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo và khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ việc thúc đẩy và tạo động lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh và hoàn thiện thể chế của đất nước.

Nói về khát vọng cống hiến, thực ra với suy nghĩ của phần lớn các doanh nhân, nếu chỉ để làm giàu cho bản thân, họ có thể chọn việc nhẹ nhàng hơn, đỡ “mệt nhọc” hơn.  Nhưng khát vọng của họ không chỉ xoay quanh nhu cầu của bản thân; mà là khát vọng cống hiến, làm giàu cho đất nước, là khát vọng để bạn bè quốc tế biết đến đất nước Việt Nam nói chung và doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói riêng ngày một nhiều hơn… Nhờ vậy, các doanh nhân của chúng ta đã kiên trì và quyết tâm vượt khó, đóng góp ngày một lớn hơn vào sự phát triển của đất nước.  

Mới đây, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển (ngày 14/9/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2023, dù chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo, điều hành khoa học, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng duy trì đà “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt cao quý trước” trên nhiều lĩnh vực: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát; tăng trưởng quý III tốt hơn quý II, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi, nợ nước ngoài đang kiểm soát tốt, dưới mức cảnh báo của Quốc hội cho phép; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững… Điều đó cho thấy vai trò và những nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Riêng lĩnh vực kinh tế tư nhân hiện nay đã đóng góp khoảng 46,4% vào GDP… Nhưng mới có khoảng 21% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia một số chuỗi giá trị toàn cầu; mới chỉ 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài… Để những con số đó lớn hơn, sự phát triển nhanh hơn, mỗi doanh nhân rất cần có một tư duy dài hạn và tầm nhìn lớn, doanh nghiệp Việt mới có thể tận dụng cơ hội để đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.  

Một trong những thách thức lớn đối với các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào để mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm hội nhập và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu? Việt Nam hiện vẫn thiếu vắng những doanh nghiệp quy mô lớn, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam hiện tại phần lớn mới tập trung vào các hoạt động ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp và hạn chế vị thế của doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế.

Về chủ trương phát triển doanh nghiệp, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”. Thời gian qua, bên cạnh các quy định về ưu đãi đối với doanh nghiệp cả về đất đai, thuế, tạo thuận lợi trong cấp giấy phép…, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp vượt qua đại dịch, cũng như những khó khăn sau đại dịch…

Để cạnh tranh hiệu quả trong kỷ nguyên số, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh việc đầu tư khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, sản xuất, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc; trong đó chú trọng mục tiêu xây dựng doanh nghiệp số có năng lực đi ra toàn cầu. Tương tự như vậy, để xây dựng nên những tập đoàn kinh tế lớn mạnh là cả một hành trình đầy khó khăn mà chỉ có khát vọng cống hiến, hoài bão xây dựng thương hiệu Việt sánh vai với thế giới mới giúp các doanh nhân theo đuổi và thành công con đường mình đã lựa chọn. Trong quá trình đó, doanh nhân phải lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm gốc, lấy khoa học công nghệ hiện đại làm năng lực cạnh tranh, từ đó vừa khẳng định chính mình, vừa góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước./.

Phạm Thủy