Đền thờ Đức thánh Tô Hiến Thành còn gọi là Đền Đệ Nhị hay đền Trung (Đền Độc Cước là đền Thượng, đền Đệ Nhất; Đền Hoàng Minh Tự là đền Đệ Tam hay đền Hạ). Đây là một hệ thống ba đền của một làng. Làng Núi (gọi nôm), tên chữ là Sầm Thôn. Đền là một trong những ngôi đền linh thiêng cổ kính nổi tiếng ở Sầm Sơn với những kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa người Việt.
Theo một người dân ở địa phương cho biết: “Đây là một trong những ngôi đền thiêng nổi tiếng về sự linh thiêng trong vùng và lan toả đi nhiều nơi về sự linh nghiệm của sự thành tâm, thành kính trước anh linh người xưa về cầu tài, cầu lộc, cầu bình yên về sự đỗ đạt học hành, về sự ngay thật trong cuộc sống”.
Theo thần phả đền thờ để lại, Thái uý Tô Hiến Thành (1102 - 1179) sinh ra ở Xóm Lẻ, làng Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ) nay thuộc huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Ông là nhà chính trị tài năng, văn võ song toàn, một vị quan thanh liêm, công minh, chính trực nổi tiếng thời Lý. Ngài đã có công chống giặc ngoại xâm, củng cố triều đình, xây dựng nhà nước vững mạnh. Ông làm quan dưới ba triều vua Lý, từ Lý Thần Tông, Lý Anh Tông đến Lý Cao Tông, được coi là trụ cột của triều vua Lý là Lý Anh Tông (1138 - 1175) và Lý Cao Tông (1175 - 1210), giữ nhiều trọng trách quan trọng của đất nước, với các vai trò là Nhập nội kiểm hiệu, Thái phó, Thái úy, rồi làm Quyền nhiếp chính sự. Vai trò nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, được các nhà sử học đời sau hết lời ca ngợi về tấm lòng vì dân, vì nước.
Công trạng của Thái úy Tô Hiến Thành đã được các đời vua Trần, vua Lê, Triều Nguyễn phong nhiều sắc phong, chứng nhận ca ngợi công lao to lớn của Ngài là hộ quốc tỷ dân. Nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông đối với Nhân dân. Đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành ở khu phố Sơn Hải, Phường Trường Sơn tương truyền đã có trên 800 năm, toạ lạc trên một khuôn viên rộng rãi, có nhiều cây xanh che bóng, tạo cảm giác yên bình, mát mẻ. Đền hiện còn giữ được một số hiện vật, đồ lễ: Cỗ kiệu Bát Cống, các câu đối, Đại tự, Chúc văn, Bộ Chấp Sự, Thánh vị, hòm sắc, bát hương, lư hương, hạc đồng…
Trước những giá trị văn hóa, lịch sử, đền Tô Hiến Thành đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cùng với khu danh thắng Sầm Sơn gồm: Núi Trường Lệ, đền Độc Cước, đền Cô Tiên và Hòn Trống Mái.
Hàng năm, cứ vào dịp ngày sinh, ngày giỗ của Thái úy Tô Hiến Thành, cán bộ, nhân dân thành phố Sầm Sơn và du khách thập phương tổ chức lễ dâng hương tri ân công lao to lớn của ngài; cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cầu cho con cháu học hành đỗ đạt, “tâm sáng, trí giỏi”.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, dù đã nhiều lần ngôi đền được trùng tu, tôn tạo, nhưng vẫn giữ gìn được những giá trị vị thế vốn có. Tuy vậy, so với đền Độc Cước và đền Cô Tiên, du khách đến thăm viếng đền rất thưa thớt. Song, thành phố Sầm Sơn luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa - lịch sử, để đền Tô Hiến Thành được nhân dân trong và ngoài nước biết đến một di tích, danh thắng nổi tiếng, đó cũng là việc làm tri ân đối với Thái uý Tô Hiến Thành, người có công với Dân, với Nước.
Trong những năm gần đây ngành du lịch thành phố Sầm Sơn đã và đang ngày càng khẳng định vị thế mới trên bản đồ du lịch Việt Nam, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, thu hút du khách đến với vùng biển Sầm Sơn ngày càng nhiều và là nơi điểm hẹn của du lịch văn hoá tâm linh, lễ hội./.