07/05/2024 lúc 20:33 (GMT+7)
Breaking News

Đền Bảo Hà - Chốn linh thiêng thờ thần vệ quốc

Đền Bảo Hà là ngôi đền linh thiêng, nằm trong "Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy", đây là nơi thờ phụng vị danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy - người có công lao to lớn trong quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vùng biên cương cho đất nước (1740 -1786).

Đền Bảo Hà là ngôi đền linh thiêng, nằm trong "Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy", đây là nơi thờ phụng vị danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy - người có công lao to lớn trong quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vùng biên cương cho đất nước (1740 -1786).

Đền Bảo Hà nằm ở xã Bảo Hà - huyện Bảo Yên - tỉnh Lào Cai, giáp ranh với tỉnh Yên Bái, đây là khu du lịch tâm linh nổi tiếng, được nhà nước công nhận và xếp hạng là khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào tháng 11/1997. Nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 60km về phía Nam, cách thành phố Hà Nội khoảng 220km về phía Tây Bắc.

Tọa lạc dưới chân núi Cấm, bên cạnh là dòng sông Hồng cuộn chảy đầy thơ mộng, khu vực đền Bảo Hà là nơi có quang cảnh thiên nhiên tựa sơn hướng thủy; kết hợp hài hòa giữa nét kiến trúc cổ kính và văn hóa bản địa truyền thống, tạo nên cho ngôi đền một vẻ ngoài uy nghiêm nhưng không kém phần độc đáo. Đền thờ ông Hoàng Bảy được xây dựng vào cuối thời nhà Lê (niên hiệu Cảnh Hưng), nơi đây thờ tự vị danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy, người có công trong việc xây dựng và gìn giữ đất nước ở vùng biên ải Lào Cai lúc bấy giờ. 

Cổng vào đền Bảo Hà - Nguồn ảnh: Wikipedia

Theo một số truyền thuyết, ông Hoàng Bảy hay Quan Hoàng Bảy, được biết đến là con Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh vua cha, ông đầu thai chuyển kiếp, giáng hạ phàm trần xuống thời nhà Lê và trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, có tên húy là Nguyễn Hoàng Bảy. Lịch kiếp đúng vào thời vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), trong giai đoạn giặc Trung Quốc từ Vân Nam sang tấn công, cướp bóc ở vùng Bảo Hà (trung tâm của châu Văn Bàn) và biên cương phía Bắc nước ta. Thấy tình hình đất nước có nhiều bất ổn, giặc ngoại xâm lại ngông cuồng, độc ác nên triều đình đã cử vị tướng tài Nguyễn Hoàng Bảy ra trận, đi trấn thủ vùng Quy Hóa (Yên Bái). Bằng tài thao lược của mình, ông Hoàng Bảy đã đưa quân đánh địch dọc theo bờ sông Thao, giải phóng và xây dựng Bảo Hà thành một vùng căn cứ mới.

Sau giai đoạn đó, ông chiêu dụ các thổ hào địa phương, đón người Dao, người Thổ, người Nùng Niên lên khai hoang lập ấp. Tuy nhiên, trong một trận chiến không cân sức, Ông Hoàng Bảy bị giặc bắt và sát hại. Di thể của ông bị chúng vứt xuống sông và trôi dạt theo sông Hồng, đến vùng phà Trái Hút - Bảo Hà - Lào Cai thì dừng lại, được nhân dân trong vùng, đại diện là ông Lư Văn Cù đứng ra lo liệu hậu sự và lập miếu thờ. 

Cũng theo một truyền thuyết khác, khi ông Hoàng Bảy bị giặc sát hại, sắc trời đang trong tự nhiên nổi gió, mây đen kéo đến cuồn cuộn, vần vũ, kết lại thành bóng ngựa thần; từ trên di thể của ông tỏa ra một đạo hào quang sáng chói, phi lên thân ngựa chạy đến vùng núi Cấm -  Bảo Hà. Khi đó, bầu trời quang đãng trở lại, mây từ xám xịt chuyển sang ánh ngũ sắc, kết thành hình tứ linh chầu hội. Sau đó, ông Hoàng Bảy hiển linh, ngự trong dinh Bảo Hà và trấn giữ tại Lào Cai. 

Tượng Quan Hoàng Bảy ngự trong đền Bảo Hà - Nguồn ảnh: tamlinhdaiviet.com

Trong thời điểm đó, ông không chỉ nổi tiếng gần xa với tài kiếm cung mà còn được biết đến với tấm lòng thương dân của mình. Ông luôn nhắc nhở, nhắn nhủ người dân phải ăn ở hiền lành, tu tâm tích đức, rèn luyện bản thân để gìn giữ phúc báo cho con cháu về sau. Để khắc ghi công lao to lớn của vị danh tướng Hoàng Bảy, các vua vào thời Nguyễn đã sắc tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và “Thần vệ quốc”. Các đồng bào dân tộc đất Việt tôn kính, thờ phụng và coi ông như là vị “Nhân thần hạ giới”. 

Đền Bảo Hà không chỉ mang giá trị quan trọng về lịch sử, tâm linh mà trên phương diện kiến trúc, đây cũng là một điểm nhấn đáng chú ý khi nhắc tới. Hầu như toàn bộ thiết kế gốc ban đầu vẫn được giữ nguyên cho đến hiện tại, với cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Tòa đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung cộng đồng. Trong các cung thờ gồm các pho tượng như Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Tranh, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Đông, quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thủy Tiên, Thiên Phúc Thiên Nhãn.

Mỗi năm, đền Bảo Hà tổ chức rất nhiều ngày lễ, trong đó những ngày đáng chú ý là:  Lễ thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25/5 Âm lịch), lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 Âm lịch), lễ Tết muộn (Tết tất niên). Đặc biệt vào lễ chính, ngày giỗ ông Hoàng Bảy 17/7 hàng năm, nơi đây thu hút một lượng lớn du khách trên khắp cả nước đến dự. Trong lễ hội tổ chức rất nhiều hoạt động độc đáo như rước kiệu, tế thần, dâng hương, cùng các hoạt động văn hoá – thể thao khác. 

Mùa lễ hội náo nhiệt tại đền Bảo Hà - Nguồn ảnh: dulich.attravel.vn

Trong nhiều năm qua, đền Bảo Hà luôn là một điểm du lịch tâm linh được nhận rất nhiều sự quan tâm của du khách thập phương. Khi dịch Covid-19 còn chưa xảy ra, vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán hoặc rằm tháng Giêng hàng năm, đền Bảo Hà có thể đón đến hàng chục nghìn lượt khách đến thăm và lễ đền mỗi ngày. Ngoài các ngày lễ chính thì ngày thường cũng có rất nhiều người tới thắp hương, tế bái để cầu lộc, cầu an. 

Sau khi được công nhận là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, đền Bảo Hà tiếp tục được đầu tư, sửa sang và nâng cấp các công trình tâm linh đã quá cũ, cải thiện hệ thống dịch vụ, hướng đến mục tiêu xây dựng xã Bảo Hà thành trung tâm du lịch tâm linh có quy mô phát triển nhất trong vùng.

Lễ hội đền Bảo Hà náo nhiệt trong những năm trước - Nguồn ảnh: baolaocai.vn

Việc kết hợp đền Bảo Hà cùng với các địa điểm khác như Phố Ràng, đền Phúc Khánh (thành cổ Nghị Lang nơi có dấu tích chúa Bầu), đền Cô Tân An đang là tiền đề quan trọng mà địa phương cần thực hiện để phát triển và mở rộng các mô hình du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng. Từ đó, tạo ra sự kết nối giữa các vùng văn hóa du lịch trên với vùng du lịch sinh thái cộng đồng ở xã Nghĩa Đô, giúp du khách đến với huyện Bảo Yên có cơ hội trải nghiệm thêm nhiều nền văn hóa, bản sắc đa dạng hơn. 

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Anh Chuyên: “Việc quy hoạch đầu tư, phát triển mở rộng “Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy” thời gian tới là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra vừa qua...”. Đây là cơ hội và cũng là thách thức mới, nếu thực hiện đúng và thành công thì trong tương lai không xa, huyện Bảo Yên sẽ vươn lên thành một trong những địa điểm du lịch đáng chú ý trên cả nước, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, đổi mới nông thôn cho nhân dân trên toàn huyện nói chung và toàn tỉnh nói riêng./.