Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
Đánh giá chung Bộ Công Thương cho biết, quá trình hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam được thực hiện với tiến trình mở cửa nền kinh tế, cải cách thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh trong nước trong hơn 3 thập kỷ qua.
Quá trình này được đẩy mạnh nhanh chóng với việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và sau đó là tham gia các khuôn khổ hội nhập kinh tế khu vực lớn. Trong đó có các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Cùng với cam kết thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi. Chính phủ Việt Nam ưu tiên tạo điều kiện hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp.
Những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ sự phát triển cho khối tư nhân để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.
Nhờ những nỗ lực nêu trên, Việt Nam đã tiếp nhận thành công một phần chuyển dịch chuỗi giá trị toàn cầu các ngành sản xuất với dòng đầu tư FDI từ các quốc gia đã công nghiệp hóa thành công và tạo ra sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mē.
Kể từ khi gia nhập WTO, cán cân thương mại của Việt Nam đã có sự cải thiện, từ mức thâm hụt thương mại 18 tỷ USD năm 2008 đến thặng dư thương mại trên 12 tỷ USD vào năm 2022. Xuất khẩu đã tăng gần 6 lần, từ 63 tỷ USD năm 2008 lên 371 tỷ USD vào năm 2022 (năm 2023 đạt 355 tỷ USD).
Rổ xuất khẩu đã có một số thay đổi về cơ cấu, cùng với dệt may và da giày, ngành điện tử đã phát triển đột phá để trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ đạo trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay.
Tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm điện tử đã dẫn tới tỉ lệ tập trung cao các sản phẩm này trong xuất khẩu của Việt Nam với tỷ trọng tăng từ 14,1% năm 2010 lên tới 45,8% vào năm 2022. Điều này có thể được giải thích là do sự đầu tư ngày càng tăng của các doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia lớn vào Việt Nam như Intel (năm 2006) và Samsung (năm 2008).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu đã đưa Việt Nam cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với việc tham gia WTO vào năm 2007 và ký kết 17 FTA đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở cửa kinh tế lớn (tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP xấp xỉ 200%), kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, liên tục qua các năm. Chỉ trong vòng 3 thập kỷ, Việt Nam đã nổi lên như một cường quốc thế giới về sản xuất và xuất khẩu.
Ảnh minh họa - TL
Từ doanh nghiệp gia công thành sản xuất thiết bị gốc
Mặc dù cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên Bộ Công Thương cũng cho rằng, chất lượng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế.
Trong đó, Việt Nam vẫn đang được định vị ở phân khúc thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu và giá trị gia tăng gắn với hàng xuất khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam không tăng trong thập niên vừa qua.
Tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam giảm đáng kể đối với tất cả các ngành, từ 69% xuống chỉ còn 52% trong giai đoạn 2000-2020. So với các quốc gia tương đồng, Việt Nam là nước duy nhất có sự sụt giảm đáng kể hàm lượng giá trị gia tăng trong tổng giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất khẩu dựa trên gia công, lắp ráp từ hàng hóa nhập khẩu tăng rất cao cả về quy mô lẫn tỷ trọng, từ 3 tỷ USD năm 2000 (21,44%) lên 171,5 tỷ USD năm 2022 (48,01%), cao hơn hầu hết các quốc gia cạnh tranh. Trong khi các quốc gia này giảm liên tục qua các năm (năm 2022: Trung Quốc 13,51%; Thái Lan, 28,96%; Singapore, 34,25%; Malaysia, 26,38%).
iệt Nam phụ thuộc lớn vào nhập khẩu (nguyên vật liệu, linh phụ kiện, máy móc công nghệ sản xuất của các ngành từ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...) và chỉ đóng vai trò là nơi gia công, lắp ráp sản phẩm cuối cùng đề xuất khẩu vào thị trường tiêu thụ cuối cùng (thường là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...).
Trong khi đó, năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chậm được cải thiện làm giảm hiệu quả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với GDP của Việt Nam vẫn còn thấp, kể cả so với các nước trong khối ASEAN.
Công nghiệp là ngành có tốc độ tăng năng suất lao động thấp nhất trong các ngành kinh tế, chậm đổi mới công nghệ với đội ngũ lao động tay nghề thấp (28,54% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật), các ngành công nghiệp công nghệ thấp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao (chiếm khoảng 65-70% trong toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam, trong khi toàn cầu chỉ là 18%).
Năng lực sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo trong nước chậm được cải thiện dẫn đến phụ thuộc vào nhập khẩu để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia và khai thác hiệu quả của chuỗi giá trị toàn cầu cũng còn rất hạn chế.
Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp trong nước, gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất, xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam rất thấp, chỉ chiếm 8,2% tổng số doanh nghiệp trong nước với đóng góp vào xuất khẩu thấp hơn chiều so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng rất thấp (chỉ khoảng 21% vào năm 2018) và chỉ 14% doanh nghiệp đã thành công trong việc thu hút khách hàng hoặc đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài định vị Việt Nam ở các phân khúc có giá trị gia tăng thấp (gia công, lắp ráp) do các lợi thế về lao động giá rẻ, chi phí đầu vào sản xuất thấp, thuế xuất nhập khẩu thấp (do ký kết nhiều FTA)...; các phân khúc có giá trị gia tăng cao đều ở nước ngoài như các khâu thượng nguồn (nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm: quảng bá sản phẩm, phân phối, chăm sóc khách hàng...) và các khâu hạ nguồn (sản xuất nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, công nghệ) đã hạn chế khả năng tham gia của Việt Nam vào các khâu sản xuất có giá trị gia tăng cao.
Từ những lý do trên, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, định hướng tập trung thể chế hóa và tăng cường hiệu quả thực thi chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia và chuyển dịch hiệu quả lên các phân khúc có giá trị tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tiến tới làm chủ một chuỗi giá trị mà Việt Nam có lợi thế. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, kết nối hiệu quả vào các chuỗi cung ứng trong nước và trực tiếp xuất khẩu.
Đặc biệt là có lộ trình cụ thể nhằm từng bước chuyển dịch từ doanh nghiệp gia công, lắp ráp lên doanh nghiệp sản xuất với thiết bị gốc, doanh nghiệp sản xuất có thiết bị gốc và phát triển thành các doanh nghiệp sản xuất có thương hiệu gốc để từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.