08/01/2025 lúc 04:25 (GMT+7)
Breaking News

Đề xuất không giao Bộ Giáo dục biên soạn, xuất bản sách giáo khoa để tránh độc quyền

VNHNO - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có đề xuất với Quốc hội xem xét tách việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa (SGK) Giáo dục phổ thông ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

VNHNO - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có đề xuất với Quốc hội xem xét tách việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa (SGK) Giáo dục phổ thông ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Đề xuất này xuất phát từ kết quả khảo sát một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017, do Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thực hiện, được công bố vào ngày 22.10.

Ảnh minh họa

Thế độc quyền khép kín trong biên soạn, phát hành SGK

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa, qua khảo sát cho thấy hoạt động in, phát hành SGK giáo dục phổ thông cơ bản đáp ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời nhu cầu học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên cả nước.

Tuy nhiên, dư luận rất băn khoăn cho rằng việc Bộ GDĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành.

Việc chỉ có 1 đơn vị được giao tổ chức xuất bản SGK (NXB Giáo dục Việt Nam) dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh, hạn chế việc thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát hành, đáp ứng yêu cầu lựa chọn của người tiêu dùng.

Việc giao Bộ GDĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK cũng được đánh giá là không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK.

Chiết khấu phát hành SGK 25% là khá cao

Cũng theo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hoạt động in, phát hành SGK trong những năm qua còn một số tồn tại, hạn chế.

Việc in SGK được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của NXB Giáo dục Việt Nam và những tên sách có số lượng in thấp.

Cách thức này và kết quả đấu thầu trong thời gian qua cho thấy hoạt động in SGK giáo dục phổ thông còn khép kín, tính cạnh tranh chưa cao, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.

Ủy ban cũng cho rằng, mức chi chiết khấu phát hành SGK 25% hiện nay là khá cao (khoảng 250 tỉ đồng/năm), chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh, giáo viên. Việc này cũng mâu thuẫn với việc NXB Giáo dục Việt Nam báo lỗ liên tiếp ba năm gần đây. Tại sao báo lỗ, nhưng chiết khấu vẫn cao?

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Bộ GDĐT cần làm rõ vấn đề này.

Xem xét việc Bộ GDĐT không biên soạn, xuất bản SGK

Từ thực tế giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành xuất bản, đặc biệt là SGK giáo dục phổ thông. Xem xét tách việc biên soạn, xuất bản SGK ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.

Ủy ban cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông mới. Kiên quyết xử lý các cơ quan nhà nước tham gia vào quá trình in lậu, in nối bản SGK.

Đối với Bộ GDĐT, Ủy ban đề nghị nghiên cứu việc công bố chương trình, SGK sử dụng ngân sách nhà nước, trước mắt ở cấp tiểu học và một số môn một cách công khai trên các phương tiện thông tin xã hội./.

Theo Laodong.vn