25/01/2025 lúc 02:43 (GMT+7)
Breaking News

Đẩy nhanh thi công cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Chiều 17/8, trong chương trình công tác tại Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe, trên tuyến bố trí 9 nút giao (trung bình 13 km/1 nút), sơ bộ tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk và Bộ GTVT là cơ quan chủ quản. Dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội gồm cơ chế chỉ định thầu; cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính xem bản đồ tuyến dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25/7/2022 về triển khai Nghị quyết của Quốc hội, với mục tiêu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, Thủ tướng Chính phủ đã có 12 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (gồm 10 thông báo kết luận và 2 công điện của Thủ tướng). Đến nay công tác thu hồi đất đạt 94%, phần còn lại chưa bàn giao, chủ yếu do tỉnh Đắk Lắk vướng rừng đang khai thác và tỉnh Khánh Hòa vướng mắc về đơn giá đền bù và tái định cư. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm.

Các dự án thành phần đã tổ chức khảo sát trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng, khả năng cung cấp vật liệu cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Dự án khởi công 2/8 gói thầu đầu tiên vào tháng 6/2023, đến tháng 12/2023 khởi công toàn bộ. Lũy kế sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 13% giá trị hợp đồng, trong đó: Khánh Hòa đạt 20%, Đắk Lắk đạt 17%, Bộ GTVT đạt 9%. Tiến độ này cơ bản đáp ứng kế hoạch, tuy nhiên tỉ lệ hoàn thành so với hợp đồng còn thấp.

Tại 4 điểm khảo sát, Thủ tướng đã tặng quà, động viên, thăm hỏi đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường. Thủ tướng đặc biệt ấn tượng trước chia sẻ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân về việc tổ chức thi công linh hoạt phù hợp thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, lao động miệt mài, hăng say với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”.

Hỏi thăm, động viên người dân nơi dự án đi qua, Thủ tướng được cho biết nhân dân địa phương rất mừng vì có công trình đi qua làm đổi thay cuộc sống, lưu thông hàng hóa, con người tốt hơn. Cảm ơn người dân đã nhường mặt bằng, Thủ tướng mong muốn bà con tiếp tục ủng hộ, chung sức, đồng lòng, chia sẻ để triển khai dự án, vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc và cũng nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mỗi người dân, mỗi gia đình.

Thủ tướng đánh giá việc chia dự án thành 3 thành phần là hợp lý, trong đó hoan nghênh tỉnh Đắk Lắk lần đầu tiên làm cơ quan chủ quản dự án cao tốc nhưng đã nỗ lực rất lớn, đến nay tuyến cao tốc lên hình hài rõ nét. Đoạn có nhiều khó khăn, qua nhiều đèo núi, có nhiều hầm được giao cho Bộ GTVT, các nhà thầu lớn có kinh nghiệm; còn đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều thuận lợi hơn.

Về công việc còn lại, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải nỗ lực hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy để huy động, vận động người dân. Thủ tướng lưu ý bảo đảm các khu tái định cư có điều kiện sinh sống tốt hơn và ít nhất bằng với nơi ở cũ; chăm lo đến đời sống, tạo sinh kế ổn định cho người dân sau khi nhường đất, nhà ở, ruộng vườn để xây dựng dự án.

Về công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, điện cao thế, Bộ Công Thương đẩy nhanh thủ tục phê duyệt phương án, triển khai di dời; các chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực tập trung đẩy nhanh công tác di dời, bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng theo yêu cầu.

Thủ tướng tặng quà đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường

Yêu cầu lãnh đạo các cơ quan chủ quản, các ban quản lý dự án phải bám sát công trường, tăng cường kiểm tra, giám sát, Thủ tướng nhấn mạnh, khi đã có mặt bằng rồi thì các chủ đầu tư, các nhà thầu đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, tổ chức thi công liên tục “3 ca, 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”; “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm việc nào dứt việc đó”, “đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm” để vượt qua mọi thách thức; cán bộ, kỹ sư, người lao động phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, từ đó tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Thủ tướng đề nghị huy động lực lượng của Quân khu 5, lực lượng Công an, nhân dân địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội vào hỗ trợ công trình ở những phần việc có thể làm được với tinh thần “đã ra quân là chiến thắng”; tạo điều kiện, huy động thêm nhà thầu, doanh nghiệp địa phương tham gia dự án để các doanh nghiệp Tây Nguyên lớn mạnh.

Cùng với việc đẩy nhanh hơn tiến độ, Thủ tướng lưu ý bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của dự án, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, nhất là hạn chế bụi, hạn chế tối đa tác động đến rừng, đời sống sinh hoạt của người dân, phòng chống sạt lở đất và hoàn nguyên sau hoàn thành công trình; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhấn mạnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh và Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu bố trí hợp lý các nút giao, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk khẩn trương rà soát quy hoạch các đô thị, khu công nghiệp… để mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa hiệu quả, lợi thế do tuyến đường cao tốc mang lại.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ quản xây dựng lại đường găng tiến độ cho các dự án thành phần, hoàn thành đoạn đầu tuyến dự án thành phần 1 (Khánh Hòa) và toàn bộ dự án thành phần 3 (Đắk Lắk) vào cuối năm 2025; đồng thời phấn đấu đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần 2 là đoạn có nhiều khó khăn nhất do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản./.

Thanh Khê