21/12/2024 lúc 23:55 (GMT+7)
Breaking News

Dấu mốc lịch sử và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam

Ngày 21/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia, khẳng định cam kết mạnh mẽ, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong dấu mốc lịch sử này của hai tổ chức, đồng thời mở đường cho những cơ hội hợp tác, phát triển mới cả song phương và đa phương.

Trong 2 ngày tại Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiến hành 20 hoạt động với nội dung, hình thức phong phú, đạt được nhiều kết quả cụ thể trên tất cả các mặt, cùng các nước ASEAN thể hiện tâm thế mới, độc lập, đoàn kết, phát triển, mở rộng quan hệ với các nước, tổ chức khu vực trên thế giới nhằm tranh thủ nguồn lực xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững và xây dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác; đồng thời mở đường cho các cơ hội hợp tác song phương mới giữa Việt Nam và Saudi Arabia nói riêng, các nước thành viên GCC nói chung, cũng như củng cố và tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN.

Thủ tướng, Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn dự Hội nghị 

Dấu mốc lịch sử và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam

Đây là lần đầu tiên kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1990, Lãnh đạo các nước ASEAN gặp gỡ với Lãnh đạo các nước GCC, tạo dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai bên, đồng thời tiếp thêm động lực mới cho hợp tác ASEAN-GCC, vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của cả hai khu vực và trên thế giới.

Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC có ý nghĩa đặc biệt và đã đạt được những mục tiêu đề ra với nhiều kết quả quan trọng; thông qua Tuyên bố chung, phản ánh những kết quả trao đổi của Lãnh đạo Cấp cao và đề ra các định hướng phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-GCC trong thời gian tới.

Thứ nhất, hai bên đều khẳng định coi trọng vai trò và vị trí của nhau, cam kết tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.

Thứ hai, ASEAN và GCC nhấn mạnh cần khai thác hiệu quả dư địa, tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa hai bên, nhất trí phối hợp đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển. Trong đó, một số lĩnh vực ưu tiên là thương mại, đầu tư, bảo đảm chuỗi cung ứng, kết nối, hợp tác biển, an ninh năng lượng, lương thực, công nghiệp Halal, đổi mới sáng tạo, văn hóa, du lịch, lao động, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh…

Thứ ba, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đa phương, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc của nhau, chung tay giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, đóng góp hiệu quả cho hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững.

Các nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại dải Gaza, kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nối lại đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc.

Đoàn Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng, đề cao ý nghĩa của Hội nghị, mở ra những kỳ vọng to lớn để hai bên cùng nhau phấn đấu đưa quan hệ lên một tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển.

Theo Thủ tướng, Đông Nam Á và Vùng Vịnh đã gắn kết với nhau qua nhiều thế kỷ trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tiềm năng hợp tác to lớn. Thế giới càng biến đổi nhanh, ASEAN và GCC càng phải thích ứng năng động, chung tay khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khơi thông các nguồn lực phát triển, triển khai các hành động thực chất, hiệu quả, với quyết tâm chính trị cao nhất, hành động quyết liệt để tiến trình hợp tác giữa hai khu vực thực sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, trở thành điểm sáng của hợp tác khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng đề xuất ba định hướng sau:

Thứ nhất, ASEAN và GCC cùng nhau tạo thuận lợi hơn nữa để kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành trụ cột chính, là động lực kết nối hai khu vực, bổ trợ cho nhau cùng phát triển, cùng thắng.

Hai bên cần triển khai các chính sách thông thoáng hơn, mở cửa thị trường mạnh mẽ hơn, tháo gỡ rào cản, xây dựng các chuỗi cung ứng đầy đủ, bền vững hơn để tạo điều kiện cho các Quỹ đầu tư và doanh nghiệp các nước GCC mở rộng hơn nữa đầu tư kinh doanh tại ASEAN và hàng hóa, dịch vụ của các nước ASEAN xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại Vùng Vịnh.

Trong tiến trình đó, ASEAN và Việt Nam mong muốn cùng GCC đẩy mạnh hợp tác vì mục tiêu phát triển xanh và bền vững hơn. Theo đó, hai bên cần dành ưu tiên hợp tác cùng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi năng lượng...

Thủ tướng nhấn mạnh, cần thúc đẩy ba kết nối: Một là kết nối con người, văn hóa, lao động; hai là kết nối thương mại, đầu tư, du lịch; ba là kết nối hạ tầng, thông qua đầu tư hạ tầng chiến lược.

Thứ hai, cần nhanh chóng thể chế hóa hợp tác ASEAN-GCC bằng các cơ chế hợp tác thường xuyên, thực chất, hiệu quả trên từng lĩnh vực cụ thể.

Thứ ba, tăng cường hợp tác đa phương để cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Với thế mạnh là những tổ chức khu vực rất thành công, ASEAN và GCC cần hỗ trợ nhau để phát huy vai trò trung tâm, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và phát triển của hai khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam mạnh mẽ phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực và kêu gọi các bên liên quan chấm dứt ngay các hành động bạo lực nhằm vào dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu; tin rằng chỉ có thương lượng và đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hoà bình, đạt giải pháp hai nhà nước trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới là con đường duy nhất để mang lại nền hòa bình bền vững, lâu dài cho Trung Đông và tất cả các nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammad bin Salman Al Saud

Thắt chặt quan hệ, mở ra những cơ hội mới

Chuyến thăm Saudi Arabia là chuyến công tác đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Saudi Arabia, tạo tiền đề quan trọng để hai nước tăng cường tin cậy chính trị và mở ra các cơ hội hợp tác mới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thắt chặt hơn mối quan hệ với tất cả các quốc gia Vùng Vịnh, một khu vực có tổng GDP lên đến 2.200 tỷ USD, nếu tính là một nền kinh tế đơn nhất sẽ đứng thứ 8 trên thế giới.

Với nguồn thu lớn từ dầu khí, các nước GCC sở hữu các quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới như Cơ quan đầu tư UAE (tài sản ước tính 850 tỷ USD), Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (ước tính 620 tỷ USD), Quỹ đầu tư công (ước tính 170 tỷ USD) và là đối tượng tranh thủ của nhiều nước trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư.

Chuyến công tác của Thủ tướng đã tạo bước đột phá trong tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới, mở rộng thị trường cho hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam vào Saudi Arabia và cả thị trường GCC, đặc biệt là về thu hút vốn đầu tư, mở rộng thương mại, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng bền vững, lao động tay nghề cao, phát triển ngành Halal, xuất khẩu nông thuỷ sản và du lịch.

Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammad bin Salman Al Saud và Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hai bên là những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau tại hai khu vực và còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội để đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển hơn nữa vì lợi ích chung của nhân dân hai nước; thống nhất cần tiếp tục củng cố quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp thông qua tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao, đẩy mạnh hợp tác mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại, đầu tư.

Hai bên nhất trí cùng phối hợp xây dựng lộ trình hợp tác, xác định các dự án, lĩnh vực đầu tư cụ thể cũng như các cơ hội làm ăn giữa doanh nghiệp hai nước, quyết tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai Chính phủ và giữa hai cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, hướng tới việc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024.

Trong các cuộc tiếp xúc với phía Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Chiến lược "Tầm nhìn 2030" của nước này, cho rằng chiến lược, tầm nhìn và định hướng phát triển của hai nước tới năm 2030 có rất nhiều điểm tương đồng, nhất là những đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, phát triển chủ yếu dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ưu tiên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu…

Nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã ký kết 5 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, ngoại giao, phòng, chống tội phạm, du lịch và xúc tiến thương mại, qua đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và điều kiện hợp tác thuận lợi cho hai nước trong thời gian tới.

Cũng trong chuyến thăm Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch, Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội, tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam–Saudi Arabia, tiếp lãnh đạo Quỹ đầu tư công, Quỹ phát triển Saudi Arabia, cùng lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Saudi Arabia và Vùng Vịnh như Aramco, Zamil, Lulu, Ajlan & Bros. Đây là những tập đoàn lớn có doanh thu hàng tỷ, chục tỷ USD, đặc biệt Saudi Aramco là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Nhằm khai thông nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia cam kết dành nguồn lực nhiều hơn cho các dự án lớn phát triển hạ tầng của Việt Nam. Tập đoàn khổng lồ Aramco mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Nhiều tập đoàn lớn khác của Saudi Arabia khẳng định sẽ xem xét mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như thép, thép tiền chế, bán lẻ, nông nghiệp và năng lượng sạch và mong muốn qua Việt Nam mở rộng mạng lưới kinh doanh của các doanh nghiệp này sang các nước ASEAN.

Saudi Arabia là thị trường lao động quan trọng của Việt Nam tại Trung Đông; cao điểm nhất, gần 18.000 lao động Việt Nam có mặt tại đây và hiện nay có khoảng 5.000 người. Thủ tướng đã đề nghị phía Saudi Arabia tăng cường tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Saudi Arabia đang triển khai nhiều dự án đô thị, cơ sở hạ tầng lớn… trong quá trình triển khai Chiến lược "Tầm nhìn 2030"; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho công dân Việt Nam làm ăn, sinh sống tại Saudi Arabia, góp phần vào sự phát triển của Saudi Arabia cũng như là cầu nối hiệu quả cho tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Phía Saudi Arabia cho biết có kế hoạch tăng tiếp nhận thêm 10 triệu lao động nước ngoài trong thời gian tới, đánh giá cao chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam và bày tỏ mong muốn hai bên cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, đưa thêm nhiều lao động Việt Nam sang Saudi Arabia.

Thủ tướng cho biết Saudi Arabia là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông khi gặp gỡ, động viên cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Saudi Arabia.

Thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trọng tâm, trọng điểm với các đối tác

Trong chuyến thăm, Thủ tướng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr., Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng đã cùng các nhà lãnh đạo trao đổi phương hướng, giải pháp để tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như tăng cường kết nối kinh tế Việt Nam–Lào, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông kết nối trọng điểm về đường biển, hàng không, đường bộ, đường sắt, đưa hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào biến chuyển về chất; thúc đẩy hiện thực hoá ý tưởng hợp tác du lịch "một hành trình, ba điểm đến" giữa Campuchia, Lào và Việt Nam; thúc đẩy đàm phán và ký kết Hiệp định về hợp tác thương mại gạo Việt Nam–Philippines, Việt Nam–Indonesia; thảo luận về khả năng thành lập hiệp hội các khu công nghiệp Việt Nam–Singapore và thúc đẩy việc cung cấp năng lượng điện sạch từ Việt Nam cho thị trường Singapore.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Trụ sở Ban thư ký GCC và chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban thư ký GCC với thông điệp Việt Nam sẵn sàng là cầu nối giữa ASEAN-GCC; đồng thời có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước thành viên GCC gồm Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Hoàng thân, Phó Thủ tướng Oman Sayyid Shihab bin Tarik Al Said, thể hiện quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.

Lãnh đạo các nước GCC đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất trí về việc tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn và sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương sang một giai đoạn hợp tác mới, thúc đẩy hơn nữa hợp tác mọi mặt với Việt Nam, nhất là về lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt là hoạt động của các quỹ đầu tư lớn của các nước này, phát huy thành công của Quỹ Đầu tư chung Việt Nam-Oman là hình mẫu tiêu biểu cho mô hình hợp tác về đầu tư giữa Việt Nam và các nước Vùng Vịnh.

Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian gặp gỡ, động viên cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Saudi Arabia, khẳng định Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ quyền và lợi ích, hợp pháp chính đáng của kiều bào ở nước ngoài, mong muốn bà con có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao; yêu cầu Đại sứ quán theo dõi sát tình hình, diễn biến trong khu vực để tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và làm tốt công tác bảo hộ công dân trong mọi tình huống, cùng bà con kiều bào phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, nhất là đoàn kết, sẻ chia, tương trợ kịp thời những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; phát đi thông điệp về cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước./.

Thanh Khê