05/01/2025 lúc 14:39 (GMT+7)
Breaking News

Đại sứ quán Việt Nam tại Nga quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch

VNHN - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã kịp thời tổ chức công tác phòng, chống dịch nhằm đảm bảo sức khỏe cho thành viên Cơ quan đại diện, gia đình và cộng đồng người Việt tại sở tại.

VNHN - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã kịp thời tổ chức công tác phòng, chống dịch nhằm đảm bảo sức khỏe cho thành viên Cơ quan đại diện, gia đình và cộng đồng người Việt sở tại.


 Khẩu trang của cộng đồng người Việt được phát miễn phí tại Moscow. (Ảnh: Thế Khoa)

Tình hình dịch Covid-19 tại Liên bang Nga hiện đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Đến ngày 9/4, tại Nga đã ghi nhận hơn 10.000 trường hợp dương tính (riêng ở Moscow là hơn 6.000 trường hợp), 76 người tử vong. Trong cộng đồng người Việt tại Nga cũng đã có một số trường hợp phải nhập viện điều trị do nhiễm Covid-19.

Chính phủ Liên bang Nga đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh để phòng, chống dịch Covid-19 như tạm thời đóng cửa biên giới, tạm dừng các chuyến bay thương mại đi tất cả các nước, cả nước nghỉ làm hưởng nguyên lương đến hết tháng 4, người dân hạn chế ra khỏi nhà…

Trước tình hình nêu trên, lãnh đạo Đại sứ quán đã kịp thời tổ chức công tác phòng, chống dịch nhằm đảm bảo sức khỏe cho thành viên Cơ quan đại diện, gia đình và cộng đồng người Việt tại sở tại. Ngay từ nửa đầu tháng Ba, Ban công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Đại sứ quán đã được thành lập với đại diện các đầu mối cần thiết, ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch. Mục tiêu là thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành của Đại sứ quán về việc phòng chống dịch Covid-19 đối với người Việt Nam tại địa bàn, bảo đảm hiệu quả công tác phòng chống dịch, kịp thời xử lý, ứng phó trong các tình huống xảy ra khi dịch bùng phát, lan rộng, lây nhiễm bệnh trong cộng đồng người Việt Nam tại Nga, đồng thời hỗ trợ tối đa về công tác bảo hộ công dân trong tình hình dịch theo thẩm quyền và phạm vi quản lý.

Theo đó, Đại sứ quán đã triển khai những mảng việc cụ thể sau:

Thứ nhất, đối với Cơ quan đại diện, nhằm bảo đảm môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, Đại sứ quán đã trang bị ngay những thiết bị cần thiết như bình xịt khuẩn, máy diệt khuẩn không khí bằng tia cực tím, máy đo thân nhiệt, các vật dụng bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay y tế, nước rửa tay khô, cồn y tế, nước súc họng…; tiến hành kiểm tra thân nhiệt bắt buộc đối với tất cả cán bộ, nhân viên, khách đến Đại sứ quán; tổ bảo vệ, cán bộ lãnh sự đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách, rửa tay xà phòng sau khi tiếp xúc và nhận bưu phẩm, bưu kiện, giấy tờ; thường xuyên phun dung dịch tiệt trùng tại khu vực khách đến.

Tùy theo diễn biến tình hình, Lãnh đạo Đại sứ quán quyết định các phương án tăng cường đối với các trụ sở làm việc và khu nhà ở của cán bộ (thuê đơn vị chuyên môn tiến hành khử trùng, đóng cửa những địa điểm sinh hoạt tập trung như khu thể thao, khu nhà ăn...). Trong thời gian qua, chế độ làm việc của Cơ quan được bảo đảm theo đúng chỉ đạo trong nước và khuyến cáo của sở tại, các công tác chuyên môn được tiến hành đáp ứng yêu cầu, nhất là công tác của Phòng Lãnh sự.

Đối với cán bộ, nhân viên Cơ quan đại diện và gia đình, do có số lượng cán bộ và người thân đi theo đông, nên việc bảo đảm sức khỏe cho cán bộ và gia đình được đặc biệt chú trọng. Đại sứ quán thường xuyên quán triệt cho cán bộ, nhân viên các chỉ đạo trong nước và quy định, khuyến cáo của sở tại trong việc phòng, chống dịch bệnh, đăng thông báo tại khu nhà ở, trong đó đặc biệt lưu ý không đến các nơi tập trung đông người, không sử dụng phương tiện công cộng, khuyến khích sử dụng khẩu trang, giữ vệ sinh nơi ở, khu vực sinh hoạt chung, hạn chế tiếp khách tại nhà, không tụ tập...

Cho đến nay, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, ý thức trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh được nâng cao rõ rệt, sức khỏe của cán bộ, nhân viên và gia đình được bảo đảm. Tinh thần bám trụ địa bàn để phục vụ công tác của cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện được khích lệ lớn khi luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đặc biệt qua bức thư của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh gửi cán bộ đang công tác tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới đây, cũng như các đơn vị chức năng của Bộ có các hình thức hỗ trợ như gửi khẩu trang, rà soát nhu cầu trang bị các vật phẩm bảo hộ phòng, chống dịch bệnh…

Thứ hai, đối với cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga, Đại sứ quán xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và nhiều thách thức do số lượng cộng đồng lớn, thành phần đa dạng, sinh sống tại nhiều địa phương của Liên bang Nga. Vì vậy, Đại sứ quán đã chỉ đạo các phòng, ban của Đại sứ quán tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, nắm bắt thông tin về tình hình người Việt, lưu học sinh qua các kênh kết nối với cộng đồng (Ban Công tác cộng đồng, Đảng ủy với 4 đảng bộ và gần 70 chi bộ tại hầu hết các địa phương của Nga, Hội Người Việt, các Hội, đoàn, 178 đơn vị lưu học sinh tại hơn 60 thành phố và các cá nhân tích cực trong cộng đồng).

Thứ ba, công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh xuất hiện nhằm thông tin kịp thời tới bà con về tình hình diễn biến dịch bệnh, các quy định và khuyến cáo của trong nước và sở tại trong việc lưu trú, đi lại, những thay đổi của chính sách chung, đặc biệt là của các hãng hàng không…, đồng thời kêu gọi, động viên bà con bình tĩnh, không hoảng loạn và tuân thủ các quy định nhằm giảm thiểu rủi ro lây lan như hạn chế đi lại, tụ tập, giữ sức khỏe bản thân và gia đình, giữ vệ sinh nơi làm việc và nơi ở…

Bên cạnh đó, Đại sứ quán giữ liên lạc chặt chẽ với các hội đoàn trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin cập nhật về tình hình làm ăn, sinh sống tại một số khu vực có đông bà con người Việt gồm khu Incentra, các khu chợ Liublino, Sadavod… để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; các đơn vị lưu học sinh có báo cáo hàng ngày về tình hình tại đơn vị gửi Đại sứ quán. Đến nay, Đại sứ quán đã ra 14 thông báo, đăng tải rộng rãi trên trang mạng của Đại sứ quán và các trang báo mạng của cộng đồng.


 Người Việt bán hàng tại một khu chợ ở Moscow. (Ảnh: Thế Khoa)

Thứ tư, công tác vận động, kết nối, hỗ trợ là điểm nhấn trong đợt phòng, chống dịch thời gian qua. Với truyền thống tương thân, tương ái và có nhiều cá nhân trong cộng đồng có trách nhiệm, hảo tâm, hoạt động tích cực, có lực lượng sinh viên đông, Đại sứ quán đã khuyến khích và ủng hộ các phong trào do cộng đồng đứng ra tổ chức như may khẩu trang và phát miễn phí cho cộng đồng người Việt và người dân Nga, lập các nhóm hỗ trợ về phiên dịch (Nhóm y tế cộng đồng, Nhóm sinh viên trường Y, các nhóm hỗ trợ về nơi ở và huy động quyên góp các vật phẩm, thực phẩm cần thiết để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…).

Những nhóm này hiện tại đang hoạt động hiệu quả, giúp nhiều bà con giải quyết được những vấn đề khó khăn phát sinh trong thời gian qua như chợ km 19, chợ Đỏ, chợ Chim… không tiếp tục cho ở, hàng trăm bà con phải tìm chỗ ở mới, nhiều bà con không biết tiếng Nga cần hỗ trợ phiên dịch khi gọi cấp cứu hoặc đến các cơ sở y tế... Người dân Nga cũng rất cảm kích khi nhận được khẩu trang miễn phí của người Việt Nam phát. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga cũng hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi của Ủy ban mặt trận Tổ quốc trong việc quyên góp để phòng, chống dịch bệnh trong nước.

Thứ năm, công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán được triển khai mạnh, do địa bàn Nga không chỉ có đông cộng đồng, mà đây còn là địa điểm trung chuyển của rất nhiều các chuyến bay từ các nước qua Nga về Việt Nam, hãng hàng không Aeroflot cũng là hãng cuối cùng tiến hành các chuyến bay về Việt Nam, nên lượng khách người Việt từ các nước đổ dồn về Nga để chuyển chuyến bay tăng lên đột ngột trong những ngày trước khi có quy định tạm dừng các đường bay.

Đại sứ quán đã chủ động báo cáo và phối hợp với các cơ quan trong nước và sở tại để “giải cứu” cho hơn 100 công dân quá cảnh qua sân bay Sheremetyevo về nước an toàn, hỗ trợ các công dân khác bay từ nhiều sân bay khác trên toàn nước Nga. Hiện tại, có 01 công dân bay quá cảnh từ Pháp vẫn bị mắc kẹt tại sân bay Sheremetyevo từ ngày 27/3 và 01 công dân bay quá cảnh từ Rumani sau khi ra viện từ ngày 07/4 đã Đại sứ quán cung cấp đồ ăn, uống, nhu yếu phẩm và hỗ trợ tìm chỗ ở tạm thời. Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của sở tại trong việc cập nhật thông tin, xử lý các vấn đề bảo hộ công dân, bảo đảm quyền lợi của người Việt Nam trong các vấn đề liên quan.

Cho đến nay, cộng đồng Việt Nam tại Liên bang Nga chấp hành đúng các quy định của nước sở tại về phòng chống dịch. Tuy nhiên, do diễn biến tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, nhiều bà con lo lắng, có nguyện vọng được về Việt Nam. Đại sứ quán tiếp tục phối hợp với các cơ quan trong nước để tìm phương án hỗ trợ tối đa, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con cộng đồng.

Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tin rằng với sự đồng lòng, quyết tâm của Lãnh đạo các nước, của người dân, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi./.