28/12/2024 lúc 14:14 (GMT+7)
Breaking News

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên: Nhiệm vụ trọng tâm là quản lý bảo vệ rừng

Đóng chân trên địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, là một huyện thuộc vùng kinh tế khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%, vậy nên công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng tại Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Bình – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết: Nghề nào cũng có khó khăn, vất vả hết, nhưng với đặc thù của nghề giữ rừng thì ít ai có thể hiểu cho. Nhiều cán bộ, nhân viên đã từng xin nghỉ việc, dưới góc độ là lãnh đạo tôi cũng đã động viên khích lệ tinh thần nhằm giữ chân họ… Nhưng không chính vì những khó khăn đó mà chúng tôi lơ là trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đó là nhiệm vụ trọng tâm của cả tập thể công ty. Bên cạnh đó, chúng tôi đi sâu, đi sát với người dân tại địa phương, xác định gắn bó với họ, tuyên truyền cho họ hiểu về tầm quan trọng của rừng, xây dựng các phương án, kế hoạch làm kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân tại đây. Cơ bản người dân nơi đây rất tốt, chấp hành pháp luật, thậm chí hỗ trợ công ty trong việc bảo vệ rừng, tố giác tội phạm, tuy nhiên vẫn có một số người cố tình không hiểu, chống đối, kích động người dân xâm hại đến rừng, những người này cần phải được xử lý nghiêm nhằm răn đe…”

Thường xuyên tổ chức các buổi tuần tra, kiểm tra trong rừng.

Để bảo vệ rừng và phát triển rừng hiệu quả, công ty xác định việc tăng cường tuần tra, kiểm tra, chốt chặn là biện pháp quan trọng để theo dõi, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng. Tăng cường số lượng và chất lượng lao động trực tiếp bảo vệ rừng có trình độ, chuyên môn và tâm huyết với ngành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các biện pháp như tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chức năng, trạng bị công cụ hỗ trợ, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Ứng dụng công nghệ khoa học vào công tác QLBVR cũng mang lại những thay đổi tích cực. Hơn nữa, với sự giám sát, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo công ty đã đôn đốc, chỉ đạo các Trạm hoạt động một cách linh hoạt, hiệu quả.

Ban lãnh đạo công ty đã đôn đốc, giám sát, chỉ đạo quyết liệt đến các đội trạm QLBVR.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng, Ban lãnh đạo và lực lượng QLBVR của Công ty đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, lồng ghép các cuộc họp dân tuyên truyền tại UBND các xã và các trạm QLBVR. Bên cạnh đó, dùng loa phát thanh di động, treo băng rôn, đến từng nhà dân sống gần rừng để phổ biến pháp luật, vận động người dân chung tay bảo vệ rừng và tham gia giao khoán theo Nghị định 168 nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân.

Vào mùa mưa, lực lượng phải vượt suối lớn để tuần tra, kiểm tra.

Với những kế hoạch, phương án quản lý bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với thực trạng tại địa phương, trong năm 2021 công ty đã quản lý bảo vệ tốt 27.300,58 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao. Công tác quản lý, bảo vệ rừng dần được ổn định, cơ bản đã kiểm soát được tình trạng phá rừng, các vụ vi phạm đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Thường xuyên cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, phục vụ tốt cho yêu cầu quản lý. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý hành chính các vụ vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng trái phép.

Thường xuyên tổ chức các buổi họp dân, tuyên truyền về pháp luật, luật lâm nghiệp.

Với những nỗ lực của cả tập thể, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm giảm hơn so với 31 vụ lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích 26,87ha, giảm 38,51ha so với năm 2020, trong đó đã tiến hành xác minh, xử lý 08/31 vụ. Về phá rừng có 5 vụ với 0,53ha (giảm 1,51ha so với năm 2020), có 3/5 vụ phát hiện đối tượng, xử lý được 4/5 vụ…/…

Thế Hùng