Chuyển đổi số đã và đang diễn ra nhanh chóng ở mọi ngành nghề, lĩnh vực trở thành xu hướng tất yếu của sự phát triển. Không nằm ngoài tiến trình đó, những năm qua, Công ty Điện lực Nam Định (PC Nam Định) đã tích cực triển khai công tác chuyển đổi số, tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình sản xuất kinh doanh với mục tiêu gia tăng hiệu quả vận hành, hướng tới chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Công ty Điện lực Nam Định đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng
Xác định chuyển đổi số là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, ngay từ rất sớm, PC Nam Định đã xây dựng lộ trình từng bước thực hiện chuyển đổi số. Bám sát định hướng chung của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, mục tiêu chuyển đổi số năm 2021 PC Nam Định đặt ra là số hóa toàn bộ lưới điện trên bản đồ; triển khai phần mềm quản lý máy biến áp, nâng cấp phần mềm quản lý an toàn lao động ECP. Đồng thời, số hóa toàn bộ hồ sơ sổ sách, lý lịch thiết bị, công trình xây dựng, hồ sơ khách hàng, dữ liệu thanh toán, quản trị nhân sự, công tác kế hoạch; số hóa các quy trình/chu trình nội bộ theo các mảng công việc kỹ thuật - an toàn, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, tài chính kế toán, kế hoạch, quản trị văn phòng, tổ chức nhân sự, đầu tư xây dựng, quản lý đấu thầu, thanh kiểm tra, nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin,…
Theo ông Lưu Văn Đông, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (CNTT) PC Nam Định, việc ứng dụng CNTT được áp dụng trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh và vận hành lưới điện.
Một trong những dấu ấn nổi bật trong lộ trình chuyển đổi số của Công ty đó là đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa (TTĐKX) từ năm 2019, đến nay đã có tổng số 6 trạm biến áp (TBA) 110kV được điều khiển xa không cần người trực và 2 trạm 110 kV điều khiển xa có người giám sát. Dự kiến trong quý 3/2021 sẽ đưa tất cả 12 TBA 110kV trên địa bàn tỉnh Nam Định để thực hiện điều khiển xa không người trực. Ngoài ra, Công ty hiện có 172 bộ máy cắt đường dây (Recloser), và 95 bộ cầu dao phụ tải đường dây (LBS) được lắp đặt trên hệ thống lưới điện trung thế và được hiện kết nối về TTĐKX thực hiện việc thao tác đóng cắt bằng hình thức điều khiển xa từ trung tâm.
Trung tâm Điều khiển xa được thành lập góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của PC Nam Định
Công ty đã và đang triển khai sử dụng phần mềm quản lý các máy biến áp, cập nhật đủ thông tin 100% số lượng máy biến áp trên chương trình phần mềm, trong đó 77,27% máy biến áp đã được gắn điểm đo xa (kiểm tra các thông số từ xa). Cũng trong lĩnh vực kỹ thuật, PC Nam Định đã triển khai tới các đơn vị về ứng dụng tính toán tổn thất lưới điện trung thế, triển khai chương trình tự động hóa lưới điện trung áp.
Song song với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý kỹ thuật, Công ty Điện lực Nam Định cũng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Công ty đã chuẩn hóa được 3.709 TBA (đạt 92,7%), 683.972 khách hàng (đạt 89,7%) trên phần mềm CMIS; chuẩn hóa được 875 TBA (đạt 21,9%), 219.354 khách hàng (đạt 28,8%) trên lưới điện. Dự kiến công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng sẽ được hoàn thành trong năm nay. Việc hoàn thành chuẩn hóa số liệu này có ý nghĩa quan trọng trong công tác triển khai kế hoạch chuyển đổi số đảm bảo tính chính xác, tin cậy của số liệu.
Bên cạnh đó, công tác lắp đặt công tơ đo xa giúp thu thập các dữ liệu của công tơ điện như chỉ số công tơ và các thông số đã triển khai được 208.073/763.180 công tơ (đạt 27,26%). Công ty hiện còn 54.481 công tơ điện tử không có đo xa, ghi chỉ số bằng HHU RF, trong thời gian tới sẽ được lắp đặt DCU chuyển sang đọc xa. Năm 2021, Công ty phấn đấu lắp đặt 70% công tơ đo xa. Công tác số hóa hợp đồng sinh hoạt cũng sẽ hoàn thành trong năm nay.
Trạm biến áp 110kV Nghĩa Hưng (Nam Định) điều khiển xa không cần người trực
Công nhân PC Nam Định sử dụng flycam giúp phát hiện kịp thời những điểm mất an toàn trên đường dây, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn
Với các công cụ được áp dụng tại PC Nam Định như E-OFFICE (phần mềm quản lý văn phòng), phần mềm quản lý kỹ thuật, quản lý phiên làm việc, quản lý sự cố lưới điện, các công cụ kiểm soát thông số lưới điện từ xa, phần mềm quản lý kinh doanh, ghi chốt chỉ số từ xa góp phần không nhỏ tăng hiệu quả làm việc, đảm bảo an toàn lao động, cắt giảm chi phí vận hành. Đặc biệt, tạo điều kiện để cán bộ, công nhân viên có thời gian, sức khỏe sáng tạo, cải tiến quá trình sản xuất, kinh doanh. Không chỉ đem lại hiệu quả thiết thực với ngành Điện, việc triển khai chuyển đổi số cũng đem lại những lợi ích đối với khách hàng. Theo đó, khách hàng không mất thời gian đến các điểm giao dịch để thực hiện những yêu cầu về dịch vụ điện; thủ tục, hồ sơ được công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ kiểm tra, không phải lưu trữ nhiều hồ sơ giấy tờ liên quan.
Nhận định về hiệu quả của chuyển đổi số đối với hoạt động của ngành Điện trên địa bàn tỉnh Nam Định, ông Trần Mạnh Sỹ - Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho biết: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt và có hiệu quả trong những năm qua đã giúp PC Nam Định giảm thiểu được nhân lực, giảm chi phí vận hành doanh nghiệp đồng thời tăng độ chính xác góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian tới, PC Nam Định tiếp tục đầu tư hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin - viễn thông, đào tạo nhân lực chuyển đổi số để đẩy mạnh công tác này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời phục vụ khách hàng một cách tốt nhất./.