VNHN – Đó là thông tin được đưa ra trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 – 2018” diễn ra sáng 16-8.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 36
4 năm, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người
Theo đó, báo cáo kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng....
Nói chung, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cơ bản được ban hành kịp thời, làm cơ sở cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế về PCCC. Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về PCCC; trong đó có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia chuyên ngành về PCCC, 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến PCCC.
Tuy nhiên, đáng chú ý là, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những quy định không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; có những loại hình cơ sở có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, phải vận dụng tiêu chuẩn nước ngoài nên gặp phải những khó khăn do thiếu đồng bộ giữa hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và các quốc gia này.
Đặc biệt, trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tính đến tháng 7-2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Công tác kiểm định và chứng nhận an toàn đối với các phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC được thực hiện nghiêm túc với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan Cảnh sát PCCC, nên các vụ cháy đối với phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về PCCC trên cả nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Theo báo cáo giám sát, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở còn tính hình thức, đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng PCCC chưa thực sự chặt chẽ...
Chữa cháy bằng trực thăng có hiệu quả?
Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao việc nhiều địa phương có những cách làm hay trong công tác tuyên truyền song cũng cho rằng, hiệu quả của công tác tuyên truyền đối với người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy chưa cao. Kỹ năng của người dân trong phòng cháy chữa cháy kém, khi xảy ra cháy không biết thoát ra như thế nào. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, một nhiệm vụ quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thời gian tới, đặc biệt là kỹ năng sống cho người dân để đề phòng các tình huống xảy ra khi có cháy nổ...
Dẫn lại thông tin, hiện còn 2.662 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế, chưa được nghiệm thu về PCCC; đặc biệt, tính đến tháng 7-2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đang có người dân ở cũng chưa được nghiệm thu về PCCC, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề, ở các khu dân cư này nếu xảy ra cháy nhà, chết người, hủy hoại tài sản của người dân thì trách nhiệm thuộc về đâu?
Còn Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nhấn mạnh hậu quả khi cháy nổ xảy ra là vô cùng nghiêm trọng cho con người, xã hội và cả sự phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Đoàn giám sát tập trung phản ánh đúng tình hình, từ đó đưa ra các giải pháp nổi bật để giải quyết được những vấn đề mà nhân dân, cử tri và Quốc hội đã đặt ra.
Dẫn chứng nguy cơ cháy rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay hay việc cháy nổ ở các khu chung cư, nhà cao tầng, cháy nổ trên các phương tiện giao thông vận tải (ô tô, tàu, thuyền...), ở các khu trung tâm thương mại, khu công nghiệp, công trình trọng điểm ngày càng gia tăng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần tập trung giải pháp bảo đảm cho việc phòng cháy tốt hơn và khẳng định được trách nhiệm của các cấp trong vấn đề này.
Nhấn mạnh việc quan trọng trước hết là phòng cháy và trách nhiệm không chỉ của lực lượng chuyên trách mà là của toàn dân và cả hệ thống chính trị, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trách nhiệm của chính quyền cũng như ý thức của người dân rất quan trọng trong công tác phòng cháy.
Quan tâm đến tình trạng cháy nổ ở các công trình, dự án, tán thành với quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư là cần có phương án phòng chống cháy nổ, phương tiện phòng chống cháy nổ của công trình, bởi lẽ “thực tế hiện nay tình trạng cắt xén, giảm hoặc thậm chí không bố trí phòng cháy chữa cháy phổ biến”, do đó, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cũng đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình, dự án trong lĩnh vực quan trọng này.
Nhấn mạnh “nước xa không cứu được lửa gần”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, số vụ cháy do lực lượng tại chỗ dập tắt được chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (26%). Như vậy, “lực lượng tại chỗ hoạt động chưa hiệu quả, kịp thời, lệch và yếu”, do đó, cần đánh giá lại và đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả của lực lượng PCCC tại chỗ, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” của lực lượng PCCC.
Trong khi đó, thực tế hiện nay, nhiều khu dân cư đông đúc, cải tạo, cơi nới nhiều, dây điện chằng chịt, nhiều ngõ ngách nhỏ, nếu xảy ra cháy cũng khó tiếp cận được, do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần có phương án cải tạo các khu dân cư này và có phương tiện chữa cháy như thế nào khi xảy ra cháy...
Trước thực tế trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị phải nghiên cứu phương tiện trên không như trực thăng để tham gia chữa cháy...
Liên quan vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nếu xảy ra cháy, nếu cần trực thăng chữa cháy thì thì quân đội sẵn sàng huy động ngay. Tuy vậy, “có lần thử dùng trực thăng chữa cháy nhưng không giải quyết được gì”. Phó chủ tịch Quốc hội dẫn chứng lại vụ cháy ở Fansipan vào năm 2010, Bộ Quốc phòng đã huy động trực thăng lên chữa cháy. Tuy nhiên, tại hiện trường, máy bay không thể bay thấp vì nguy hiểm nên buộc phải bay cao để buông nước xuống. Tuy nhiên, khi bay cao thì “nước chưa xuống đến lửa đã bốc hơi hết rồi!”.
Do đó, cho biết nếu dùng máy bay thì “bao nhiêu cũng có” nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề xuất, phải dùng hóa chất khi xảy ra cháy thì mới có thể dập tắt lửa, chứ dùng nước không hiệu quả...
Ngoài ra, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu trong quá tình xây dựng thiết kế các công trình thì nhất định phải có tầng thiết kế chống cháy, có như thế công tác chữa cháy mới kịp thời và hiệu quả.