10/01/2025 lúc 09:21 (GMT+7)
Breaking News

Cơ điện luyện kim Thái Nguyên: Đưa dự án nhà máy sản xuất Ferro silic vào hoạt động thành công

Dự án Nhà máy sản xuất Ferro silic tại phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do công ty cổ phần cơ điện luyện kim Thái Nguyên thực hiện, ngày 2/12 đã cho ra lò mẻ Ferro silic đầu tiên tại Thái Nguyên.
Công ty cổ phần cơ điện luyện kim Thái Nguyên.

Dự án Nhà máy sản xuất Ferro silic nhằm thực hiện thay đổi cơ cấu sản xuất, tìm kiếm sản phẩm mới thay thế sản phẩm tấm lợp Amiăng ximăng, đã bị giảm mức cầu và phải chuyển đổi sau năm 2020. Dự án đi vào hoạt động sẽ có thêm sản phẩm chất lượng cao để cung cấp cho thị trường thay thế sản phẩm tấm lợp phải dừng sản xuất và tăng lợi nhuận cho Công ty. Mặt khác, dự án đi vào hoạt động, ổn định việc làm và đời sống người lao động trong công ty, góp phần ổn định đời sống xã hội cho khoảng 75 người lao động của Công ty; tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có, tăng giá trị của tài nguyên, giảm tiêu hao năng lượng, cải thiện môi trường... Ngoài ra, dự án được triển khai sẽ làm giảm mức đầu tư, chi phí sản xuất Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đảm bảo sự phối kết hợp bền chặt trong sản xuất của hệ thống VNS.

Các công nhân đưa nguyên liệu được trộn đều vào lò hồ quang.

Ferro là một thành phần nguyên liệu cho luyện thép. Đối với thép hợp kim, thép chuyên dụng sử dụng lượng ferro silich là rất lớn. Chúng có thể chiếm tới 70% giá thành sản xuất cho các loại thép hợp kim chất lượng cao như thép chịu mài mòn trong điều kiện va đập, thép dụng cụ, thép kỹ thuật (tôn silic). Ferro được sản xuất trong lò điện hồ quang kín. Trong ngành luyện kim, Ferro được xem như bán sản phẩm sử dụng làm chất khử oxi trong thép và sản xuất thép hợp kim. Trong những năm gần đây Ferro sản xuất trong nước dùng cho sản xuất thép, đúc gang… đã biểu hiện mất cân bằng nghiêm trọng. Nhất là Ferrosilic, chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Công đoạn chuẩn bị sản xuất FeSi.

Trong khi đó nguồn nguyên liệu để sản xuất lại rất nhiều, nhất là quặng Quắczit để sản xuất Ferosilic, loại Fero hiện nay đang nhập khẩu 100% của nước ngoài. Lượng Fero tăng khi lượng sản xuất thép trong nước còn tăng lên.

Công nhân tại phòng điều khiển thiết bị giám sát chặt chẽ quy trình, nhiệt độ, nguồn điện để vận hành lò hồ quang.

Chính vì vậy, sau khi nghiên cứu, phân tích và căn cứ vào điều kiện thực tế của mình, Công ty Cổ phần Cơ điện luyện kim Thái Nguyên đã quyết định đầu tư “Dự án nhà máy sản xuất Ferro Silic” với công suất 12.000 tấn/năm với nguồn cung cấp nguyên liệu quặng Quắczit chủ yếu từ mỏ Quắczit tại Phú Thọ của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Dự án có tính khả thi cao, đáp ứng một phần nhu cầu trong nước, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 75 người lao động chưa có việc làm của Công ty sau khi tạm dừng sản xuất sản phẩm tấm lợp Amiăng ximăng.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên, cho biết: Nhà máy sản xuất Ferro silic được đầu tư xây dựng với công nghệ, thiết bị chủ yếu được chuyển giao từ Trung Quốc; Thiết bị được đầu tư đồng bộ, mới 100% nhằm mục tiêu sản xuất ra sản phẩm Ferro silic đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng và đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường Việt Nam cung như thị trường xuất khẩu. Nhà máy sử dụng thiết bị lò hồ quang kín, với hệ thống cấp nhiên liệu tự động, được kiểm soát và điều khiển bằng hệ thống máy vi tính. Đặc biệt, Nhà máy được đầu tư hệ thống xử lý môi trường với hệ thống lọc bụi hiện đại nhất cho phép xử lý triệt để khói bụi và thu hồi tối đa phế thải để tái chế, bảo đảm an toàn cho môi trường.

Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên thành công đưa nhà máy sản xuất Ferro silic với công trình ứng dụng công nghệ mới không chỉ là mang lại doanh thu cho Công ty, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn là dấu mốc lớn trong ngành luyện kim Thái Nguyên nói riêng và là bước đầu mở ra một hướng mới cho ngành sản xuất Ferro tại Việt Nam. Chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ferro silic trong giai đoạn hiện nay là đúng đắn, có nhiều ý nghĩa kinh tế - kỹ thuật - xã hội.

Hồng Nguyễn - Tô Duy