10/01/2025 lúc 19:40 (GMT+7)
Breaking News

Cầu Lộc đi xuyên qua mọi khó khăn để về đích Nông thôn mới

Cầu Lộc là xã thuộc vùng chiêm trũng nằm ở phía Bắc của huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Khi bắt tay xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã có xuất phát điểm thấp, đời sống Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm sớm đưa xã về đích NTM nên Đảng bộ, chính quyền đã tập trung mọi nỗ lực, đi xuyên qua mọi khó khăn để thực hiện cho được mục tiêu đề ra.
Công sở xã Cầu Lộc được đầu tư khang trang đồng bộ.

Nền tảng vốn có của Cầu Lộc trước khi xây dựng NTM là một nền nông nghiệp thuần nông, hạ tầng thấp kém và xuống cấp. Để nâng cấp được toàn bộ hạ tầng và thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng tỉ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân là một bài toán khó. Bài toán này chỉ có thể làm được bằng cách phát huy tối đa nội lực và huy động các nguồn lực từ bên ngoài. 

Để mỗi người dân nhận thức rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM thì công tác tuyên truyền, định hướng được đặt lên hàng đầu. Nội dung tuyên truyền phải lột tả được thực trạng của địa phương sau đó xây dựng định hướng đúng và sát với thực tế. Trên cơ sở đó xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng để mỗi người dân thấu hiểu và hưởng ứng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM. Để đạt được các mục tiêu cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp thuần nông sang nông nghiệp sản xuât hàng hóa. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển công trình giao thông, trường học, thiết chế văn hóa. Tăng cường ứng dụng khoa học vào sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động; đổi mới tổ chức sản xuất, xây dựng các mô hình liên doanh liên kết. Rà soát bổ sung quy hoạch để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. 

Nông nghiệp là ngành chủ đạo nên xã đã chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Quy hoạch các vùng lúa thâm canh, cải tạo đất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống lúa có năng suất cao (chiếm 36% tổng diện tích) vào gieo trồng, cho sản lượng đạt từ 60 - 64 tạ/ha. Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả trên cơ sở liên kết sản xuất với Công ty Giống cây trồng Bà Triệu và Công ty TNHH nông sản An Thành Phong gắn với tiêu thụ lúa thương phẩm (giống lúa Thái Xuyên 111; N97 và Bắc Thơm) với tổng diện tích tham gia chuỗi sản xuất là 120ha, cho tổng sản lượng năm 2022 (2 vụ) đạt 68 tấn. Phát triển chăn nuôi theo hướng nông trại, gia trại. Đến nay toàn xã có 01 trang trại, 22 gia trại đang hoạt động và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, chăn nuôi gà, vịt đẻ của một số hộ gia đình cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động với mức lương ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nên tỉ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ có những bước phát triển đáng kể. Các ngành nghề (mộc, cơ khí, gò hàn, vận tải) và dịch vụ buôn bán phát triển mạnh. Máy móc (30 máy cày bừa, 08 máy gặt, máy đập liên hợp, máy xay xát) được đưa vào sản xuất thay cho sức người; đặc biệt trên địa bàn xã có Công ty TNHH SIAPIC Thanh Hóa hoạt động ổn định đã thu hút nhiều lao động nhàn rỗi trong xã với thu nhập ổn định.

Công tác quy hoạch được triển khai đồng bộ, hạ tầng cơ sở (công sở, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông, sân vận động) được đầu tư, nâng cấp. Các tiêu chí về nhà ở dân cư, thủy lợi, môi trường, an toàn thực phẩm, y tế, văn hóa, đào tạo nghề, thông tin truyền thông, tiếp cận pháp luật, nước sạch, chuyển đổi số, quốc phòng an ninh đều đạt được các chỉ tiêu theo tiến trình cán đích.

Nhân dân hưởng ứng phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông.

Mặc dù được xây dựng trên một nền tảng thấp và yêu cầu chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới lại cao hơn so với thực lực của xã, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, Cầu Lộc đã làm được những việc tưởng chừng như không thể. Đến nay Cầu Lộc đã khoác lên mình chiếc áo mới, bộ mặt nông thôn khang trang và văn minh hơn. Hạ tầng giao thông được mở rộng với tổng chiều dài trên 20km (bao gồm đường xã từ 5m đến 7m; đường thôn, đường nội đồng từ 3m đến 4m) và đã cứng hóa, nhựa hóa 100%. Công tác giáo dục đào tạo được chú trọng. Đến nay tỉ lệ phổ cập trẻ mầm non là 100%, tỉ lệ phổ cập Tiểu học và THCS là 100%, tỉ lệ học sinh Tốt nghiệp THPT, GDTX, GDNN là 90,11%. Trên cơ sở đó lực lượng lao động ngày càng được nâng cao về chất lượng. Tổng số lao động toàn xã là 3.737 người, trong đó có 2.851 lao động đã qua đào tạo,chiếm 76,30%; tỉ lệ có bằng cấp, chứng chỉ là 941 lao động, chiếm 25,20%.

Từ việc chú trọng phát triển kinh tế gắn với đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo nhằm tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao góp phần xây dựng NTM một cách bền vững mà thu nhập của người dân không ngừng tăng. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân là 46,73 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,85%.

Cán bộ và Nhân dân dọn vệ sinh, trồng hoa và chăm sóc cây xanh tại tuyến đường UBND xã.

Trải qua quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, đến đầu năm 2023, Cầu Lộc đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Thành quả trên đây là nền tảng để Cầu Lộc tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 57 triệu đồng trở lên; tỉ lệ hộ nghèo còn 0%; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%; tỉ lệ khu dân cư đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự đạt 100%.

Trao đổi về thành quả đạt được, ông Nguyễn Văn Thào, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc cho biết: “Trong những năm qua, với mong mỏi sớm đưa xã về đích NTM, góp phần vào lộ trình chung trong việc xây dựng NTM của huyện, cả hệ thống chính trị xã đã vào cuộc một cách quyết liệt, cùng nhau đoàn kết đi xuyên qua mọi khó khăn, trên cơ sở phát huy tối đa nội lực và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là có sự đồng thuận chung tay góp sức của nhân dân nên quá trình xây dựng NTM đã diễn ra theo đúng kế hoạch. Thành quả trên đây thuộc về Nhân dân, thuộc về cả hệ thống chính trị trong xã. Hiện nay xã đang hoàn tất hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM”./.

Ngọc Thể - Đỗ Thanh