24/04/2024 lúc 19:06 (GMT+7)
Breaking News

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cho xe chạy miễn phí 60 ngày kể từ 30/4

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính từ 7 giờ 30 phút, ngày 30/4, dự kiến không thu phí trong 60 ngày.

Lễ khánh thành tuyến cao tốc Trung Lương Mỹ thuận. Tuyến đường này dài 51km bắt đầu từ điểm cuối cao tốc TP.HCM - Trung Lương và kết thúc tại nút giao An Thái Trung

Sáng 27/4, tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tổ chức lễ khánh thành dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tham dự Lễ khánh thành có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, lãnh đạo Tỉnh ủy UBND tỉnh Tiền Giang và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL nói riêng và đất nước nói chung.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại Lễ khánh thành

Phó thủ tướng nhấn mạnh, lễ khánh thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một sự kiện trọng đại đã được hơn 20 triệu dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước mong chờ từ lâu.

Việc “giải cứu” thi công thành công và tổ chức khánh thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 13 năm thi công đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và đã được Chính phủ ghi nhận, trình Quốc hội thông qua nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, tháo các nút thắt tại nhiều dự án trong cả nước.

Các bài học kinh nghiệm được Chính phủ ghi nhận, Quốc hội đánh giá cao, thứ nhất đó là Chính phủ giao quyền cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án cao tốc nói riêng (dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung) cho các địa phương. Thứ hai là bài học về sự sàng lọc, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực (tài chính, công nghệ, thiết bị…) để hạn chế tối đa việc chậm tiến độ, rút ngắn tiến độ thi công.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu lãnh đạo 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn lại ưu tiên dành nguồn lực, tập trung cao cho công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu, phối hợp Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Đồng thời, nghiên cứu mô hình, cách làm tại dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để nhân rộng trong quá trình triển khai các dự án có điều kiện tương tự, góp phần thu hút nguồn lực xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000km vào năm 2030. Trong đó, đến năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ có hơn 400km đường cao tốc được đưa vào vận hành.

“Những bài học, cách làm mới trong quá trình giải cứu dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 13 năm khởi công mới hoàn thành cần được sớm tổng kết, đánh giá, nhân rộng”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Sau lễ khánh thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí từ 7 giờ 30 phút, ngày 30/4, dự kiến trong 60 ngày với tốc độ tối thiểu 60km/h, tối đa 80km/h.

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền) cho hay, sau lễ khánh thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí từ 7 giờ 30 phút, ngày 30/4, dự kiến trong 60 ngày với tốc độ tối thiểu 60km/h, tối đa 80km/h.

Đây là thời gian để Công ty triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho phép xe di chuyển ở với tốc độ tối thiểu 60km/giờ, tối đa 80km/giờ.

Các loại phương tiện không được di chuyển vào tuyến cao tốc này gồm: xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ; máy kéo, xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ, súc vật; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường cao tốc).

Đây là tuyến cao tốc dài 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối là nút giao An Thái Trung.

Dự án điều chỉnh phương thức đầu tư lần cuối cùng từ hình thức đầu tư BOT sang hợp tác công - tư (PPP) với tổng vốn 12.668 tỷ đồng; trong đó, vốn hỗ trợ của Nhà nước là 2.186 tỷ đồng, còn lại là vốn BOT.

Anh Phạm