08/11/2024 lúc 23:00 (GMT+7)
Breaking News

Cao su trên quê hương Bác và dòng vàng trắng xây cho đời

Dự án trồng cây cao su trên vùng núi tỉnh Nghệ An do Công ty cổ phần đầu tư, phát triển cao su Nghệ An làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh cấp phép đầu tư từ năm 2010, với tổng diện tích Tổng diện tích cao su 4.357,2 ha. Qua 14 năm trồng, chăm sóc phát triển, cây cao su đã tạo nên những thành lũy xanh bảo vệ môi trường rừng, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình đồng bào các dân tộc nơi miền Tây xứ Nghệ từ nghèo khó nay đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang.

Một dự án đầu tư thiết thực và hiệu quả

Những ngày tháng 8 lịch sử, về thăm quê hương Bác Hồ kính yêu, lên các huyện miền Tây xứ Nghệ, thăm những vườn cao su bạt ngàn xanh tốt reo với gió ngàn. Đi dưới những cánh rừng cao su thuộc Nông trường 12/9 chúng tôi thực sự ngỡ ngàng như lạc giữa khu du lịch sinh thái vùng rừng nhiệt đới nào đó. Cả diện tích vườn cây Nông trường gần 1.000 ha đang vào vụ khai thác, dâng cho đời dòng nhựa trắng tuôn trào. Quan sát những thao tác nhuần nhuyễn của công nhân cạo mủ nơi đây, tôi nhận thấy ở họ là những nụ cười, niềm tin mà cây cao su mang lại. Một công nhân cạo mủ sành nghề tạm ngơi tay, nhìn lên những tán cây cao su đan kín cả bầu trời nói với chúng tôi, nhờ công nghệ tạo tán hạn chế chiều cao ngay từ những ngày đầu khi cây phát  triển để phù hợp với địa hình, khí hậu, thời tiết nên hầu hết toàn bộ vườn cây của công ty đều chống được gió bão, kể cả những cơn bão lớn đổ bộ vào vùng đất khắc nghiệt này. Vì thế những năm gần đây, một số cơn bão đổ bộ vào nhưng thiệt hại không đáng kể.

Đi giữa rừng cao su như lạc vào vùng du lịch rừng nhiệt đới  

Thấy tôi tận mắt quan sát hệ thống khai thác mủ khép kín, Trưởng phòng KHKT Công ty Nguyễn Tất Hùng nói với tôi: Khi bước vào mùa cạo công ty cử cán bộ chuyên môn xuống tận từng vườn cây, trực tiếp hướng dẫn cho người lao động về trang bị màng che mưa để bảo vệ bề mặt cạo không để nước mưa lọt vào, tức là bảo vệ bề mặt cạo, khi hết mưa tiếp tục cạo không ảnh hưởng đến đường cạo. Còn tấm mái che mặt cạo này vừa che nước mưa vừa che các thứ lá cây các dăm cạo hay các loại côn trùng để không thể rơi vào bát đựng mủ, nhằm bảo vệ an toàn chất lượng mủ đến khi vận chuyển vào nhà máy chế biến.

Dạo quanh  những vườn cao su từ  các các Nông trường Quế Phong, Nông trường Anh Sơn 1, Anh Sơn 2, Nông trường 12/9, Nông trường Tổng đội TNXP  thuộc  Công ty cổ phần đầu tư, phát triển cao su Nghệ An như đi giữa những cánh rừng nguyên sinh, bởi cây cao su ở đây luôn được công nhân bảo vệ an toàn tuyệt đối. Dưới gốc cao su là lớp thảm thực vật dày cộm, ngoài chống được xói lở còn tăng độ phì nhiêu làm xốp đất, tạo sức sống mãnh liệt cho cây cao su phát triển, góp phần tăng năng suất vườn cây ngày một phát triển bền vững hơn.

Vườn cây khai thác của đội 4, Nông trường 12/9 tuy mới đưa vào khai thác 4 năm nhưng đã đạt năng suất 1,1-1,2 tấn /ha

 Phó TGĐ Công ty Nguyễn Kim Trọng khẳng định, việc chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản tốt là yếu tố quyết định đối với năng suất, chất lượng mủ. Bên cạnh việc giao khoán đối với công nhân, đến từng hộ gia đình không những vừa đảm bảo tính minh bạch, vừa tiết kiệm chắt chiu không để rơi vãi mủ, đấy cũng là góp phần tăng năng suất đối với công ty, đối với việc thu nhập của người lao động. Nhờ những yếu tố trên nên người lao động càng yên tâm gắn bó với công ty, gắn bó với vườn cây được giao khoán. Theo báo cáo từ công ty, tổng diện tích cao su công ty quản lý trên 4.340 ha, trong đó số diện tích đưa vào khai thác đến tháng 8 năm 2024 là 3.341 ha, tất cả những diện tích nói trên đều được chăm sóc, bảo vệ, phát triển tốt.

Những con số khẳng định tính hiệu quả, phát triển bền vững  

Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Đình Tuấn vui vẻ nói: Khi bắt tay đưa vào  khai thác năm đầu diện tích chỉ có 97ha, năm thứ  hai 210 ha, năng suất vườn cây chỉ đạt từ 5,5-6 tạ/ha, sản lượng mủ cả năm cũng chỉ đạt được trên 50-100 tấn, thu nhập người lao động từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng, những năm sau đó tất cả chỉ số đều được tăng trưởng rõ rệt. Đến giữa tháng 8 năm nay (2024) tổng diện tích đưa vào khai thác 3.341,52 ha/ 4.357,2 ha, năng suất, sản lượng đều tăng. Dự tính, kết thúc SXKD năm 2024 sản lượng mủ khai thác của công ty sẽ đạt từ 3.500 tấn/3.200 tấn, doanh thu ước đạt từ 130 tỷ, thu nhập người lao động cũng sẽ được tăng lên đáng kể, bình quân thu nhập đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Nữ công nhân đội 1, Nông trường 12/9 đang thu hoạch mủ đông

Riêng về SXKD 8 tháng đầu năm 2024, công ty đã khai thác được 1.570 tấn, chế biến 1.169,1 tấn, tiêu thụ 1.038,55 tấn với giá bán bình quân 38,22 triệu đồng/tấn/34,5 triệu đồng/tấn kế hoạch Tập đoàn giao, tổng doanh thu 39,73 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế được 5,06 tỷ đồng. Cũng theo Tổng giám đốc công ty Nguyễn Đình Tuấn, bên cạnh sản xuất kinh doanh công ty luôn quan tâm đến  đời sống đối với người lao động, như tiền lương thưởng, bảo hiểm Y tế, bảo hiểm XH,... Đặc biệt trong mấy năm nay công ty đã tiết kiệm từ nguồn vốn để  đầu tư xây dựng các khu nhà ở tập thể, trang thiết bị điện, nước, công trình vệ sinh,... bên cạnh vườn cây giao khoán để vừa khai thác mủ, vừa chăm sóc bảo vệ vườn cây. Cũng theo Tổng giám đốc công ty Nguyễn Đình Tuấn, nhờ chăm sóc bảo vệ vườn cây kiến thiết cơ bản tốt nên số diện tích đưa vào khai thác năng suất mủ bình quân đạt 1tấn/ha, có những lô cao su khai thác đã đạt 1,1 tấn/ha/năm, đây là tín hiệu vui đối với một dự án đầu tư phát triển cao su trên quê hương xứ Nghệ, quê hương của Bác Hồ kính yêu thực sự hiệu quả quá sức tưởng tượng. Qua bao năm gian khó đến nay Công ty đã có của ăn của để.

Tác giả - nhà báo Anh Bình thực tế vườn cây cùng lãnh đạo công ty

Kết thúc bài viết này tác giả xin được nhắc lại lời nói trước lúc chia tay của Chủ tịch HĐ QT Công ty Phạm Trung Thái, người dày công đưa dự án đầu tư phát triển cao su về tỉnh Nghệ An nói: Dự án đã phủ xanh được những vùng đất trống, đồi trọc, đưa lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho hàng trăm hộ gia đình đồng bào các dân tộc tạo được việc làm ổn định, có thu nhập “xúng xính”, có của ăn của để, nhà cửa khang trang, con cái được đầu tư học hành đến nơi đến chốn.

Anh Bình