Cụ thể, 2 dự án trọng điểm của trung ương trên địa bàn: cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 qua địa bàn Cần Thơ. 3 dự án ngoài ngân sách: Dự án khu công nghiệp VSIP; Cụm nhiệt điện Ô Môn; Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Ngoài ra, 5 dự án đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư: Dự án xây dựng trụ sở Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP; Dự án khu hành chính TP; Thư viện TP; Xây dựng hạ tầng cho Trung tâm điều hành thông minh IOC; Dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Cần Thơ.
Ông Phạm Văn Hiểu – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho biết, đối với các dự án trọng điểm trên địa TP Cần Thơ vẫn còn chậm. Do đó, cần phải đề ra lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể, đồng thời phải công khai minh bạch và vận động người dân để các dự án thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Đơn cử như dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị (gọi tắt là Dự án 3). Dự án này đã triển khai thi công gần 7 năm mà nguồn vốn giải ngân mới đạt khoảng 50%, tương đương khoảng 4.500 tỉ đồng. Dự án được Thủ tướng đồng ý cho điều chỉnh kéo dài đến tháng 6 năm 2024. Thời gian thực hiện chỉ còn khoảng 1,5 năm nhưng số tiền chưa giải ngân còn đến 4.500 tỉ đồng. Do đó, ông Phạm Văn Hiểu đề nghị các đơn vị liên quan phải có chỉ đạo quyết liệt, chứ không tới thời hạn lại kéo dài nữa.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ ông Lê Quang Mạnh yêu cầu các đơn vị liên quan có sự quan tâm triển khai hiệu quả hơn. Trong đó có việc cải thiện hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo; việc thực hiện các Nghị quyết phải nêu chi tiết đầu việc và đề ra thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, ông Mạnh đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án khu tái định cư trên địa bàn./.